Ngày 11/12, giới đầu tư Trung Quốc thở phào khi có thông tin Suning Appliance Group, tập đoàn bán lẻ hàng điện tử dân dụng lớn nhất Trung Quốc, đã tự mua lại trái phiếu doanh nghiệp của hãng đáo hạn vào ngày 16/12.
Kể từ khi thương mại điện tử xuất hiện, những công ty truyền thống như Suning Appliance đã dần mất đi ưu thế trên thị trường khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến. Theo Nikkei, tính tới cuối tháng 6/2020, công ty này đối mặt với khoản nợ ngắn hạn lên tới gần 37 tỷ NDT (5,6 tỷ USD). Trong khi đó, lượng tiền mặt và trả trước của Sunning Appliance chỉ vào khoảng 36,5 tỷ NDT.
Công ty mẹ của Suning Appliance là Tập đoàn Suning, nổi tiếng với các thương vụ thâu tóm lớn, từ việc mua lại Hãng bán lẻ Laox (Nhật Bản), Câu lạc bộ bóng đá Inter Milan (Italy) cho đến chi nhánh của Hãng bán lẻ Carrefour (Pháp) tại Trung Quốc.
Suning Appliance đối mặt khoản nợ 5,6 tỷ USD. Ảnh: Getty. |
Giới quan sát Trung Quốc nhận định rằng việc Suning Group rơi vào cảnh vỡ nợ thực chất không phải do quy mô nợ lớn, mà nằm ở việc các ngân hàng Trung Quốc đã không còn sẵn sàng mở rộng tín dụng như trước.
Theo Nikkei, Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba hiện nắm giữ 20% cổ phần của Suning Group. Nhiều ý kiến cho rằng khoản nợ mà Suning Appliance đang đối mặt là hậu quả khi bị vướng vào vòng kiểm soát mà Bắc Kinh thực hiện đối với đế chế của tỷ phú Jack Ma.
Trước đó, chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ nghiêm cấm các hành vi độc quyền và ngăn chặn việc mở rộng vốn ngoài tầm kiểm soát sau khi thị trường nước này bùng nổ vì hàng loạt thương vụ phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO).
Theo giới quan sát, động thái này cho thấy Bắc Kinh không còn mặn mà với việc giải cứu các công ty nhà nước mắc nợ. Điển hình như vụ việc của Huachen Automotive Group Holdings. Đây là một nhà sản xuất ôtô lớn tại Trung Quốc và đang trong giai đoạn xin bảo trợ phá sản từ tháng 11.
Cựu chủ tịch Qi Yumin sau đó đã bị Bắc Kinh cáo buộc vi phạm quy định và chịu hình thức kỷ luật. Ông từng là phó thị trưởng thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) trong năm 2004 và 2005.
Một ví dụ khác là Công ty Cổ phần Điện và Than Yongcheng (Yongcheng Coal and Electricity Holding Group), thuộc sở hữu của chính phủ, cũng lâm vào cảnh tương tự.
Công ty Cổ phần Điện và Than Yongcheng bị vỡ nợ trái phiếu. Ảnh: Caixin. |
Những vụ vỡ nợ của ba doanh nghiệp quốc doanh như Yongcheng Coal and Electricity Holding Group, Huachen Automotive Group Holdings và nhà sản xuất chip được Đại học Thanh Hoa rót vốn đang dấy lên lo ngại đối với sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Ở một diễn biến khác, những tập đoàn như Suning Group thường bị ảnh hưởng rất lớn bởi các quyết định của chính phủ thông qua chính sách cho vay và trả nợ. Theo China Daily, chính quyền Trung Quốc hôm 28/12 đã thống nhất bộ quy định về việc công bố thông tin liên quan tới trái phiếu tín dụng doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi cho giới đầu tư.
Bộ quy định mới do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia và Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc công bố sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Theo quy định này, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể phát hành trái phiếu tín dụng doanh nghiệp - bao gồm các khoản nợ phi tài chính, cổ phiếu và trái phiếu - trong thị trường liên ngân hàng và các sàn giao dịch chứng khoán.
Về phần mình, các công ty tư nhân Trung Quốc không thể tránh khỏi những bom nợ khổng lồ. Theo Nikkei, tính tới cuối tháng 9, tổng tài sản của các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết đạt 74.000 tỷ NDT (hơn 11.300 tỷ USD), tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, khoản nợ của những công ty này cũng tăng lên với tỷ lệ tương tự.
Mặt khác, lợi nhuận ròng của nhóm này giảm hơn 5% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay. Lượng trái phiếu của các doanh nghiệp vỡ nợ trong nước tính tới giữa tháng 12 đã chạm mốc 190 tỷ NDT (29 tỷ USD), nâng tổng các khoản nợ xấu mà các ngân hàng Trung Quốc yêu cầu xử lý lên đến 3.400 tỷ NDT (520 tỷ USD).