Thông tin UBND tỉnh Cà Mau ban hành văn bản số 834 lấy ý kiến đánh giá của người dân, doanh nghiệp về việc giải quyết thủ tục hành chính trên Zalo nhận được sự đồng tình của phần lớn người dân.
Ông Trần Quốc Chính - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) tỉnh Cà Mau đánh giá cao về sự thuận tiện của Zalo trong công cuộc chuyển đổi số.
‘Chuyển dần từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ nhân dân’
- Tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. Từ ngày 15/3, tỉnh sẽ triển khai thêm việc lấy ý kiến, đánh giá của người dân qua Zalo, mục tiêu của việc này là gì?
- Mục tiêu của việc làm trên là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, tạo thêm kênh tương tác giữa tổ chức, cá nhân với chính quyền các cấp. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc nộp hồ sơ trực tuyến; tra cứu thông tin về TTHC, tình trạng xử lý hồ sơ. Đồng thời, tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về TTHC thông qua ứng dụng trên Zalo; nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn; chuyển dần từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ nhân dân.
- Thưa ông, tại sao ông quyết định chọn Zalo để làm kênh triển khai chính sách này?
- Có nhiều nguyên nhân để chúng tôi lựa chọn ứng dụng Zalo, cơ bản nhất là tính phổ biến, phổ thông, thân thiện, dễ sử dụng của Zalo.
Đầu tiên, Zalo là ứng dụng có nhiều người dùng và cách sử dụng cũng dễ dàng. Ứng dụng này cũng có nhiều tiện ích phù hợp với nhu cầu của mọi người.
Ngoài ra, thời gian qua, cùng với một số đơn vị khác, Zalo là một trong những đơn vị có nhiều sự hỗ trợ tích cực cho tỉnh Cà Mau trong việc thực hiện lộ trình chính quyền điện tử cũng như chuyển đổi số. Cụ thể là ngày 12/3/2019, đại diện tỉnh Cà Mau Sở Thông tin và Truyền thông đã ký kết hợp tác khai thác ứng dụng Zalo trong cải cách hành chính chính (trước đó ngày 14/12/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đã ban hành Kế hoạch 132/KH-UBND để thực hiện vấn đề này).
- Ông có thể chia sẻ kế hoạch của tỉnh Cà Mau để tuyên truyền đến người dân về việc lấy ý kiến, đánh giá này trên Zalo?
- Đến nay, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính (GQTTHC) đã bảo đảm được các khâu chuẩn bị cho quá trình vận hành (cấu trúc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ cổng dịch vụ công sang Zalo; thiết lập thông tin về dữ liệu đánh giá...). Việc triển khai các áp phích hướng dẫn thực hiện tại bộ phận một cửa các cấp cũng như chuẩn bị tổ chức việc hướng dẫn đến tận ấp, khóm (thông qua đội ngũ cán bộ trưởng ấp khóm) cũng đã hoàn tất.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường chỉ đạo các báo, đài địa phương, cổng thông tin, trang thông tin điện tử đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền. Phấn đấu đến cuối năm nay, số lượng thủ tục hành chính được đánh giá qua hệ thống này đạt tỷ lệ 60% trên tổng số hồ sơ được giải quyết.
- Thưa ông, ông kỳ vọng gì về chuyển đổi số tại Cà Mau trên Zalo trong thời gian tới?
- 3 mục tiêu quan trọng để thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 03/10/2020 gồm: Phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.
Trong mục tiêu phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, chúng tôi đã đặt ra nhiều mục tiêu phấn đấu, trong đó việc phấn đấu nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công thông qua chỉ tiêu: 80% dịch vụ công cung ứng mức độ độ 4, hình thành cơ sở dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công kịp thời cho người dân, doanh nghiệp…
Để bảo đảm các mục tiêu này khả thi, Sở TTTT đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều giải pháp. Một trong số đó phải kể đến là phát triển hoàn thiện cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử, đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục trên môi trường mạng; triển khai các dịch vụ, ứng dụng thông minh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tương tác với chính quyền điện tử, chính quyền số; triển khai các ứng dụng giải đáp thắc mắc, hỗ trợ người dân...
Tôi kỳ vọng rằng ứng dụng Zalo sẽ là một trong những ứng dụng hàng đầu tạo ra sự thành công trong lộ trình chuyển đổi số của tỉnh Cà Mau.
Hiệu quả tích cực từ bước đầu triển khai dịch vụ công trực tuyến qua Zalo
- Tỉnh Cà Mau đã triển khai trang Zalo “Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Cà Mau” từ năm 2019, ông đánh giá như thế nào về mô hình này?
- Tháng 3/2019, Zalo chính thức dành sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt cho tỉnh Cà Mau qua việc ký kết hợp tác. Với việc ký kết này, Zalo đã cho phép người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau thực hiện được các tương tác trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính: Nộp hồ sơ trực tuyến; tra cứu thông tin và kết quả; trao đổi, hỏi đáp, phản ánh, kiến nghị về các dịch vụ hành chính.
Theo báo cáo của Trung tâm GQTTHC, đến nay đã có khoảng 60.000 lượt người quan tâm và sử dụng Zalo để thực hiện các công việc có liên quan đến giải quyết TTHC, hàng ngày có trên 100 lượt tương tác giải quyết TTHC thông qua ứng dụng này.
Như vậy, có thể nhận thấy rằng việc sử dụng Zalo để tương tác với chính quyền trong việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, từ đó góp phần giúp cho công tác cải cách thủ tục hành chính ngày càng đi vào chiều sâu và có bước tiến triển rõ rệt.
- Phản hồi của người dân Cà Mau về việc ứng dụng CNTT cũng như mô hình chính quyền điện tử ở Cà Mau đến nay ra sao?
- Cà Mau đã có nền tảng của một chính quyền điện tử, sẵn sàng cho việc cung ứng dịch vụ công ở mức độ cao hơn hướng tới chính quyền số. Do đó, với việc đánh giá, phân tích đúng đắn về khả năng ứng dụng CNTT của người dân, từ đó dẫn dắt, thu hút người dân tiếp cận với chính quyền điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính đã làm người dân cảm thấy phấn khởi, hào hứng. Qua ứng dụng Zalo, người dân sẽ quen dần, quen dần và sẽ là tiền đề để hình thành nên các công dân điện tử.
Hiện nay, với một bộ phận người dân đã từng tiếp cận với Zalo trong giải quyết TTHC, dịch vụ công trực tuyến nói chung, giao dịch thủ tục hành chính mức độ 3, 4 đã không còn là rào cản, là trở ngại của họ.
Bình luận