Phía sau con số 'gây sốc' từ Thống đốc ngân hàng
Nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến cuối năm 2011 chỉ 3,5%. Cũng vì thế, con số cập nhật lên tới 10% được Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố chiều 7/6 là một thay đổi bất ngờ.
Chiều 7/6, trong phần phát biểu trước Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng lên tới 10% - mức rất cao so với những số liệu chính thức được công bố trước đó: nợ xấu tính đến cuối năm 2011 là 3,5%; cuối năm 2010 là 2,14%. Nếu vẫn tính theo các chuẩn mực hiện hành và căn cứ vào số liệu công bố của các nhà băng, tỷ lệ nợ xấu cập nhật của toàn hệ thống ngân hàng thấp hơn nhiều con số 10%.
Trước đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm nổi tiếng Fitch đánh giá tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam khoảng 13%, Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia) đưa ra con số từ 8,25% đến 14% đối với các nhà băng nội... Tuy nhiên, số liệu được công bố chính thức từ Ngân hàng Nhà nước luôn ở mức dưới 4% và được các lãnh đạo khẳng định ở mức không đáng lo ngại.
Nợ xấu từ các dự án bất động sản chiếm tỷ lệ lớn tại các ngân hàng. Ảnh: ANTĐ |
Tổng giám đốc một nhà băng cổ phần lớn tại TP HCM cho biết: “Theo tiêu chuẩn quốc tế, nợ xấu sẽ căn cứ vào tình hình tài chính thực tế của doanh nghiệp chứ không chỉ dựa vào việc họ có trả nợ đúng hạn hay không. Vì thế, nợ xấu theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ lớn hơn nhiều so với con số mà các nhà băng công bố”. Về con số 10% mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra chiều 7/6 trước Quốc hội, ông này nói: “Đó là một hành động dũng cảm nhưng có chiến lược”.
Theo phân tích của ông này, thừa nhận tỷ lệ nợ xấu rất cao của hệ thống ngân hàng cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa. Tuy nhiên, đây là điều cần thiết bởi “chỉ khi nhìn thẳng vào sự thật thì mới xử lý được các vấn đề tồn tại âm ỉ mà từ lâu chưa được giải quyết dứt điểm”.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cỡ vừa tại Hà Nội bổ sung, yếu tố chiến lược trong công bố của Thống đốc Nguyễn Văn Bình có liên quan chặt chẽ với vấn đề lãi suất và lợi nhuận thực của các nhà băng. Theo ông này, hệ thống ngân hàng chịu rất nhiều tiếng xấu về việc “ăn trên lưng doanh nghiệp”.
“Ai cũng bảo là doanh nghiệp thì khó khăn, chết hàng loạt mà các ngân hàng vẫn công bố lãi hàng nghìn tỷ đồng là điều không thể chấp nhận được. Thế nhưng, công chúng không biết là chúng tôi phải ngậm đắng nuốt cay vì những khoản nợ xấu to đùng nhưng không thể hiện rõ ràng trên bảng tổng kết tài sản” ông này tiết lộ.
Theo phân tích của vị này, về bản chất, các ngân hàng không lãi lớn như con số được công bố bởi khoản trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu lẽ ra lớn hơn nhiều. Vì thế, lợi nhuận cũng giảm đi đáng kể chứ không phải hàng nghìn tỷ như hiện nay. “Trung thực về nợ xấu sẽ thấy thực trạng lợi nhuận ngân hàng và công chúng sẽ thông cảm hơn với các ông chủ nhà băng. Họ không lãi lớn và cũng chẳng sung sướng tí nào”, ông này chia sẻ.
Phát biểu trước Quốc hội chiều 7/6, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nói thêm, chi phí vốn thực tế của các ngân hàng còn rất cao do phải gánh tỷ lệ 10% nợ xấu này. Vì thế, chiều hướng chung của lãi suất là có giảm nhưng chưa giảm được như mong muốn của các doanh nghiệp.
Bình luận về phát ngôn của Thống đốc Nguyễn Văn Bình trước Quốc hội chiều 7/6, chuyên gia Vũ Đình Ánh nói : “Tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã dũng cảm đánh giá chính xác nợ xấu thì hy vọng cũng sẽ có biện pháp để xử lý nợ xấu”.
Hoàng Ly
Theo Infonet