Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Phía sau câu chuyện đội bóng ném nữ Na Uy bị phạt vì không mặc bikini

Hành động thà bị phạt chứ quyết không mặc bikini của đội bóng ném Na Uy có thể sẽ thúc đẩy cuộc "biểu tình" của phái nữ về quyền quyết định những gì thuộc về cơ thể họ khi thi đấu.

doi bong nem na uy bi phat vi khong mac bikini anh 1

Ngày 18/7 vừa qua, tại Giải vô địch bóng ném bãi biển EURO 2021 ở thành phố Varna của Bulgaria, đội tuyển nữ Na Uy đã tổ chức một cuộc “biểu tình”: Họ mặc quần đùi khi thi đấu tranh huy chương đồng với đội Tây Ban Nha.

Theo các quy tắc được đưa ra bởi Liên đoàn Bóng ném quốc tế (IHF), điều này là trái quy định. Quy tắc đòi hỏi nữ giới phải mặc bikini có đáy quần “vừa vặn và cắt một góc hướng lên phía trên, không được dài quá khoảng 10 cm”, theo New York Times. Với phần trên, họ nên mặc loại áo lót thể thao bó sát với khoảng hở sâu ở cánh tay.

Trong khi đó, nam giới có thể mặc quần đùi dài trên đầu gối ít nhất 10 cm và “không quá rộng” với áo “ba lỗ bó sát”.

Mỗi vận động viên trong đội bị phạt khoảng 170 USD. Liên đoàn bóng ném Na Uy tuyên bố họ sẽ chi trả số tiền phạt này. Nhưng hành động “thách thức” này không phải là tình huống bột phát. Những vận động viên nữ của Na Uy cho biết họ đã phàn nàn vấn đề quần bikini với IHF ít nhất từ năm 2006. Trong suy nghĩ của những vận động viên này, họ bị buộc phải thi đấu trong những bộ đồng phục thiếu vải, trong khi đồng nghiệp nam thì không phải chịu đựng điều đó.

Theo họ, đây là một tiêu chuẩn kép phân biệt giới tính. Và đúng là như vậy, NBC News nhận định.

doi bong nem na uy bi phat vi khong mac bikini anh 2

Trang phục thi đấu của đội bóng ném bãi biển nam và nữ của Na Uy năm 2019. Ảnh: Norwegian Handball Federation.

Tiêu chuẩn kép

Trong khi đội bóng ném Na Uy bị phạt vì không mặc quần "đủ ngắn", một quan chức điền kinh ở Anh đã chê trách vận động viên Paralympic xứ Wales Olivia Breen vì quần quá ngắn.

“Chúng ta đang sống ở năm 2021, không phải thế kỷ 18”, Breen lên tiếng phản đối. Cô nói thêm: “Điều đó khiến tôi đặt câu hỏi liệu một đồng nghiệp nam có nhận chỉ trích nếu anh ấy làm điều tương tự hay không”.

Theo tác giả David Von Drehle của Washington Post, tất cả đều biết câu trả lời. Mặc dù hầu hết môn thể thao đều có quy định trang phục, tác giả Drehle cho rằng xã hội đã quá quen với việc vận động viên nam được thoải mái tùy chỉnh trang phục của họ.

Vận động viên bơi lội nam có thể chọn quần dài đến gần đầu gối. Cầu thủ bóng rổ mặc quần áo hỗ trợ dài đến cổ tay và mắt cá chân bên trong đồng phục thi đấu. Cầu thủ bóng chày duy trì sự linh hoạt về độ dài của quần, từ dáng quần kéo tất cao đến đầu gối của José Altuve đến kiểu gấu quần dài lướt thướt được yêu thích bởi Shohei Ohtani.

doi bong nem na uy bi phat vi khong mac bikini anh 3

Tất được phép kéo dài đến đầu gối của vận động viên bóng chày José Altuve. Ảnh: AP.

Dựa trên chuẩn mực xã hội độc đoán

Phụ nữ khi tham gia các môn thể thao thường bị đặt vào tình thế thua thiệt. Họ phải thi đấu bằng trang phục hở hang để trông nữ tính và gợi cảm hóa ngoại hình của họ khi thu hút ánh nhìn của nam giới. Trong khi đó, họ sẽ bị phạt nếu ăn mặc quá hở, một điều “đi ngược” lại tiêu chuẩn đạo đức của phụ nữ mà xã hội đặt ra, NBC News nhận định.

Sự mâu thuẫn này trở nên có lý khi trong lịch sử, nam giới là người xác định trang phục nào là phù hợp để nữ giới thi đấu. Trong thời Victoria, phụ nữ chơi thể thao - trong đó có môn quần vợt và bóng chày - buộc phải mặc trang phục váy dài. Mặc dù rõ ràng là váy dài cản trở chuyển động và rủi ro tai nạn khi thi đấu, việc phụ nữ để lộ cổ chân được coi là không phù hợp.

Nhiều thập kỷ trôi qua, đồng phục thể thao của nữ giới tiếp tục bị kiểm soát, từ việc họ bị buộc phải chơi bóng chày với váy ngắn trong Thế chiến 2 tại Liên đoàn bóng chày nữ chuyên nghiệp của Mỹ, cho đến quy định cầu thủ bóng chuyền nữ bắt buộc phải mặc bikini - luật lệ tồn tại cho đến năm 2012.

doi bong nem na uy bi phat vi khong mac bikini anh 4

Trang phục chơi bóng chày của nữ giới vào những năm 1870. Ảnh: Transcendental Graphics.

Giải đấu Bóng bầu dục nội y của Mỹ trước đây được thành lập dựa trên suy nghĩ phụ nữ sẽ chơi bóng trong trang phục bikini.

Thông thường, những quy tắc trang phục vận động viên nữ mặc gì là phù hợp quyết định dựa trên tính thẩm mỹ và các chuẩn mực xã hội độc đoán. Tuy nhiên, hầu như phụ nữ không bao giờ được hỏi họ sẽ cảm thấy thoải mái khi thi đấu trong loại trang phục nào.

Theo tác giả David Von Drehle của Washington Post, một điều bất biến trong suốt nhiều thập kỷ qua là phụ nữ đều không được quyết định mình mặc gì một cách công bằng. Quyền lực thay vào đó nằm ở các cơ quan đứng đầu bởi những người đàn ông lớn tuổi.

Đã từ quá lâu, phụ nữ bị coi là kém cỏi hơn so với nam giới trong lĩnh vực thể thao. Việc họ mặc váy sẽ là minh chứng cho thấy các môn thể thao của nữ giới là vô nghĩa.

Tính trọng nam hoàn toàn không quan tâm đến chức năng của bộ đồng phục thể thao, hay sự thoải mái của nữ giới khi mặc chúng.

Điểm chung dẫn đến những quy chuẩn mang tính thẩm mỹ này xuất phát từ ý tưởng đề cao tính nữ của người da trắng, giới phương Tây, Cơ đốc giáo.

Tay vợt Serena Williams nổi tiếng đã thể hiện sự phản đối với ý tưởng này vào năm 2018 khi cô “dám” mặc bộ đồ catsuit - bộ trang phục liền bó sát cơ thể - trên sân quần vợt tại giải Pháp mở rộng. Liên đoàn quần vợt Pháp đã lên án và gọi đây là thái độ “thiếu tôn trọng” trận đấu.

Các vận động viên theo đạo Hồi đã phải đấu tranh nhiều năm để có thể thi đấu với khăn trùm đầu. Tuy vậy, lệnh cấm đeo khăn trùm đầu thường khiến nhiều người phụ nữ Hồi giáo không thể tham gia thể thao.

doi bong nem na uy bi phat vi khong mac bikini anh 5

Serena Williams mặc bộ trang phục catsuit khi thi đấu tại giải Pháp mở rộng. Ảnh: The Conversation.

“Đây chính là kiểm soát cơ thể phụ nữ, chứ không hề liên quan đến lợi thế, sự hiểm nguy khi thi đấu hay bất cứ điều gì khác”, nhà bình luận thể thao Shireen Ahmed viết trên Twitter. “Hệ thống này được thành lập nhằm bịt miệng phụ nữ và tước đi quyền tự quyết của họ liên quan đến cơ thể chính mình, bao gồm những gì chúng tôi muốn mặc: Khăn trùm đầu, quần đùi,…”.

Với tác giả Drehle, điều quan trọng duy nhất trong thể thao là các vận động viên, mọi thứ khác đều chỉ là thứ bổ trợ.

“Michael Wiederer - chủ tịch của Liên đoàn Bóng ném châu Âu, người đã đưa ra án phạt với đội bóng ném Na Uy - nên hỏi các vận động viên rằng ông ấy có thể làm gì để nâng cao kỹ năng và làm nổi bật tài năng của họ, chứ không phải chỉ đạo họ nên mặc gì”, tác giả nhận xét.

Đồng lòng yêu cầu sự thay đổi

Một điều chúng ta đã chứng kiến trong những năm gần đây là khát vọng thay đổi của cả tập thể. Phụ nữ đã không còn sẵn sàng chấp nhận mọi thứ theo lề thói cũ, và sử dụng sức mạnh tập thể thúc đẩy sự thay đổi.

Tất cả thành viên đội bóng ném Na Uy mặc quần đùi để phản đối quy định trang phục phân biệt giới tính. Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia của Mỹ tập hợp lại để đấu tranh cho một mức lương bình đẳng. Phụ nữ Hồi giáo thúc đẩy Liên đoàn bóng rổ quốc tế (FIBA) dỡ bỏ lệnh cấm cấm đeo khăn trùm đầu. Và các vận động viên bóng lưới đồng lòng phản đối để lật ngược yêu cầu về trang phục.

Có lẽ hành động của các cầu thủ đội bóng ném Na Uy sẽ chuyển thành sự đồng lòng yêu cầu kiểm tra lại quy định trang phục thi đấu của vận động viên nữ tại tất cả môn thể thao.

Có lẽ sự phẫn nộ của tập thể sẽ thúc đẩy phụ nữ hành động để có thể quyết định những gì họ muốn mặc trên sân.

Hoặc có lẽ xã hội sẽ lại tiếp tục bắt gặp những câu chuyện tương tự hàng năm.

Tổng thống Macron gặp thủ tướng Nhật Bản sau lễ khai mạc Olympic

Không chỉ ca ngợi Olympic Tokyo 2020, hai nhà lãnh đạo còn bàn luận về biến đổi khí hậu và hợp tác quốc phòng vì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Olympic Tokyo từ cục cưng hóa ‘cục nợ’ trong mắt người Nhật

Người dân Nhật Bản từng kỳ vọng Olympic Tokyo sẽ giúp thúc đẩy kinh tế và nâng cao vị thế đất nước. Tuy vậy, giờ đây công chúng Nhật chỉ muốn sự kiện trôi qua nhanh.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm