Trong bức tranh sân khấu Việt Nam đương thời, Nguyễn Phi Phi Anh nổi lên như một mảng màu ấn tượng. Năm 2012, khi còn theo học tại Đại học Hampshire College, chàng sinh viên mảnh khảnh đã tranh thủ kỳ nghỉ hè của mình tạo một cơn chấn động trong giới nghệ thuật Việt Nam.
Góc phố danh vọng ra mắt, như một tuyên ngôn cho việc giới trẻ có thể làm được gì với sân khấu, bằng đam mê và tài năng. Các vở nhạc kịch Đêm hè sau cuối và Mộng ước không xa vời lần lượt được trình diễn vào những năm tiếp theo.
Mỗi buổi diễn đều “cháy vé”, được ngợi khen hết lời. Riêng Nguyễn Phi Phi Anh - tác giả kịch bản, đạo diễn, nhà sản xuất - được gọi là “cậu bé vàng của nhạc kịch Việt”.
Kịch bản ba tác phẩm: Góc phố danh vọng, Đêm hè sau cuối và Mộng ước không xa vời được tập hợp trong cuốn sách Góc phố danh vọng, do NXB Trẻ thực hiện.
Sách Góc phố danh vọng gồm 3 tác phẩm sân khấu đã trình diễn và tạo tiếng vang của Nguyễn Phi Phi Anh. |
Vũ trụ nhạc kịch của Phi Phi Anh
Cuốn sách trước hết dành cho những ai từng xem nhạc kịch của Phi Phi Anh, đắm chìm trong “vũ trụ” nhạc kịch mà anh tạo ra, hoặc chí ít là dành cho những người yêu nhạc kịch.
Đọc sách, độc giả được sống lại không khí lấp lánh đầy tham vọng, sự phù du của danh tiếng, tiền bạc và tình yêu của Góc phố danh vọng. Đêm hè sau cuối đưa người đọc tới không khí gấp gáp, vụ án mạng với những tình tiết ly kỳ, và cái kết bất ngờ.
Mộng ước không xa vời đa nghĩa, trong cái vỏ bọc của một vấn đề thời sự: những đại dịch, sự tồn vong của loài người. Đó cũng là câu chuyện nhân sinh: những luyến lưu về quá khứ, những mong ước cho tương lai, tình yêu, tình người trong mỗi con người.
Không chỉ tập hợp kịch bản ba tác phẩm, sách Góc phố danh vọng còn kể câu chuyện Nguyễn Phi Phi Anh đã làm 3 vở diễn như thế nào. Trong sách, tác giả tiết lộ anh biết tới nhạc kịch qua những bộ phim hoạt hình của Disney những năm 1990 như Nàng tiên cá, Người đẹp và Quái vật…
Những năm đầu thập niên 2000, những bộ phim nhạc kịch nổi tiếng như Moulin Rouge, Chicago… khiến Nguyễn Phi Phi Anh ngạc nhiên, trầm trồ trước những tác phẩm lồng ghép bài hát vào để kể một câu chuyện đầy sống động, cá tính, giàu cảm xúc.
Tác giả Nguyễn Phi Phi Anh - người được coi là "cậu bé vàng của nhạc kịch Việt". Ảnh: Đô Tăng |
“Năm 2012, khi kết thúc năm đại học đầu tiên ngành đạo diễn, tôi bước vào kỳ nghỉ hè, và ấp ủ một suy nghĩ khá ngây ngô: Tôi cũng muốn dựng một vở nhạc kịch, vì nếu Moulin Rouge làm được, tài sao mình không làm được?” - tác giả viết trong phần lời nói đầu của sách.
Ban đầu, Nguyễn Phi Phi Anh định dịch một kịch bản nào đó sang tiếng Việt để làm. Nhưng rồi anh nghi ngại vì liệu dịch ra như vậy, ngôn ngữ là một phần, còn câu chuyện, văn hóa có phù hợp với khán giả Việt?
Nghĩ vậy, anh bắt tay viết kịch bản. Cùng thời điểm đó, mạng xã hội bùng nổ ở Việt Nam, những câu chuyện showbiz, mối quan hệ đại gia - chân dài được lan truyền, tương tác… là cảm hứng để Nguyễn Phi Phi Anh viết nên Góc phố danh vọng.
Tự nhận Góc phố danh vọng được viết với “dòng chữ ngô nghê”, nhưng tác giả của nó cũng cho rằng nhờ có tác phẩm mà anh lưu giữ lại được một phần tâm hồn ngây thơ, trong sáng nhất của mình khi trẻ dại.
Khi đêm diễn cuối của Góc phố danh vọng khép lại (đêm 16/8/2012), Nguyễn Phi Phi Anh đã biết là anh phải làm nhạc kịch tiếp. Phi Anh thổ lộ: “Tôi muốn được trông thấy các bạn của mình múa hát thêm nhiều lần nữa, say sưa khóc cười với nhau trên sân khấu thật nhiều lần nữa. Nhưng tôi phải làm khác đi”.
Hình ảnh trong vở Đêm hè sau cuối. Ảnh: GH - ML |
Góc phố danh vọng được khơi nguồn cảm hứng từ những trang báo, dòng tin, còn Đêm hè sau cuối được tác giả tìm cảm hứng từ những cuốn sách. Các tác phẩm trinh thám khiến Nguyễn Phi Phi Anh say mê, bởi cách kể bất ngờ, những nhân vật giàu trắc ẩn.
Nếu Gosho Aoyama (tác giả Thám tử lừng danh Conan) kể trinh thám bằng tranh, tiểu thuyết gia Agatha Christie kể bằng chữ, thì Phi Anh quyết định kể trinh thám bằng nhạc kịch.
Kịch bản Đêm hè sau cuối được viết một mạch, trong thời gian không lâu. Nhưng khi đưa vào dàn dựng, tác giả kịch bản mới “tá hỏa” vì có quá nhiều lỗ hổng trong cốt truyện.
Những diễn viên cũng phát hiện ra lỗ hổng đó và than phiền nhân vật có tính cách, hành động bất hợp lý. Thế là một quá trình chỉnh sửa kịch bản diễn ra, ngay cả cách thức giết người - điểm mấu chốt trong vụ án - cũng phải thay đổi, để tác phẩm trở nên hợp lý.
Kết cục, Đêm hè sau cuối trở thành tác phẩm mạch lạc, lôi cuốn, hấp dẫn, là một tác phẩm trinh thám được kể bằng nhạc kịch như Phi Anh dự định.
Đặt niềm tin vào khán giả
Mộng ước không xa vời - tác phẩm cuối trong chùm ba kịch bản - được viết ra khi Nguyễn Phi Phi Anh vừa bước khỏi cánh cổng đại học. Đó là tác phẩm mà tác giả thú nhận anh viết cho mình nhiều hơn cho mọi người, trong một tâm thế luyến lưu về quá khứ, và chấp chới những mong ước cho tương lai không biết khi nào thành sự thật.
Khi dựng vở này, đạo diễn và các diễn viên lại tiếp tục “miệt mài” sửa kịch bản, nâng lên đặt xuống các tình tiết, sắp xếp các mảnh ghép lại theo những kiểu khác nhau.
Thậm chí họ diễn được ba, bốn đêm rồi vẫn tiếp tục chỉnh sửa. Cuối cùng, tác giả quyết định thả lỏng, đặt niềm tin vào sự cảm nhận của khán giả, để họ bóc tách câu chuyện.
Hình ảnh trong vở Mộng ước không xa vời. Ảnh: Tuấn Đào |
Bên cạnh phần nội dung kịch bản, sách còn đan xen tranh minh họa của Nguyễn Ngô Thủy Tiên và Đặng Hồng Quân. Các bức tranh vẽ lại khung cảnh sân khấu, với những nhân vật mang dáng dấp của các diễn viên thể hiện tác phẩm.
Như để hoàn thiện cho cuốn sách, giúp độc giả chưa xem 3 vở nhạc kịch có thể hình dung rõ hơn về tác phẩm, một vài ý kiến trích dẫn nhỏ được đưa vào cuối sách.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói ông kính trọng phẩm chất nghệ sĩ trong tác phẩm Góc phố danh vọng, dù có đôi chỗ “vụng dại mê sảng”. Nhà văn hàng đầu hiện nay nhận xét: “Tôi đặc biệt thích Góc phố danh vọng. Thích cái chất tự sự, nó đòi hỏi sự chân thực, tế nhị và khôn khéo… Phi Phi Anh đều có cả! Nó là chân dung cậu ấy”.
Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ cảm nhận sự chín chắn ở phần kịch trong Mộng ước không xa vời: “…lược bỏ những cành lá sum sê để tập trung vào gốc với thân cây mọc thẳng, để đạt tới kịch bản vừa trực diện, vừa bay bổng nhưng gợi được suy ngẫm cho người xem”.
Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái viết phê bình mà như một đoạn thơ đầy ẩn ý về tình yêu, đam mê của những người làm nhạc kịch: “Trong thế gian bao la này, chỉ tình yêu và mộng ước là đáng kể, và chính tình yêu thiết tha, đầy khát khao, nhân bản giữa người và người đã khiến mộng ước trở nên không xa vời".
"Tình yêu ấy sống động, chuyển hóa không ngừng, trong cử chỉ yêu thương của người với người, như hoa xinh, như nắng hồng, như cây lá thay màu, như chiều về gió heo may qua…”.