John Young - qua đời đầu năm 2018 ở tuổi 87 - là phi hành gia làm việc lâu nhất trong lịch sử NASA. Từ chuyến bay đầu vào năm 1965 đến khi nghỉ hưu, ông đã có tổng cộng 835 tiếng trên vũ trụ và từng tới Mặt Trăng.
Điều ít ai biết là sự nghiệp lừng lẫy của Young suýt bị hủy hoại vì một chiếc bánh mì kẹp thịt bò.
Một lượng thời gian và tiền bạc khổng lồ được đổ vào việc cung cấp thức ăn cho các phi hành gia của NASA. Điều này không có nghĩa thức ăn ngon, nhưng an toàn để sử dụng trong vũ trụ, đồng nghĩa với việc chúng cần gọn gàng, được nén chặt.
Phi hành gia John Young. Ảnh: Atlas Obscura. |
Trong môi trường không trọng lực khép kín, các phần tử của thức ăn có thể là yếu tố gây mất an toàn. Chúng có thể làm máy móc bị dính, hoặc ai đó vô tình hít phải. Ngay cả trong môi trường trọng lực bình thường, các mảnh vụn từ bánh mì có thể vương vãi khắp nơi. Trong tàu vũ trụ, vụn thức ăn có thể rất nguy hiểm.
Nhưng nhà du hành vũ trụ 34 tuổi không nghĩ về điều đó vào ngày 23/3/1965, khi nhận một chiếc bánh kẹp thịt bò từ đồng nghiệp vốn nổi tiếng hay đùa - Wally Schirra.
Hai hôm trước đó, Schirra đã đi vào nhà hàng Wolfie ở Cocoa, Florida, Mỹ để mua một chiếc bánh mì kẹp. Anh đưa cho Young ngày phóng tàu, và Young bỏ nó vào trong bộ đồ du hành của mình.
Ở Cape Kennedy, Young lên tàu vũ trụ để làm nhiệm vụ Gemini 3 kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ. Đây là chuyến đi đầu tiên của anh, cùng với chỉ huy của mình - Virgil “Gus” Grissom, và là chuyến bay hai người đầu tiên vào không gian của Mỹ. Lúc ổn định, Young ra hiệu cho Grissom và lôi chiếc bánh mì kẹp thịt bò đầu tiên bay lên vũ trụ ra khỏi túi. Chiếc bánh đã để 2 ngày, và không có gì đặc biệt, theo đoạn hội thoại được ghi lại giữa Young và Grissom.
Grissom: Gì thế?
Young: Bánh mì kẹp thịt bò.
Grissom: Ở đâu ra vậy?
Young: Tôi đem theo đấy. Để xem nó có vị như nào. Mùi quá nhỉ?
Grissom: Phải, nó đang rã ra. Tôi sẽ cho nó vào túi.
Chiếc bánh được đem đi cùng bộ đồ khi hai người trở về Trái đất, và không có bất cứ sự cố nào xảy ra với các phi hành gia hay con tàu, cho đến khi quốc hội biết chuyện.
John Young trong bữa ăn trước giờ Gemini 3 bắt đầu. Ảnh: Atlas Obscura. |
Gemini 3 có nhiều mục tiêu, từ thử tác động của môi trường không trọng lực lên trứng nhím biển, đến thử các hoạt động bay quanh khí quyển trong một tàu vũ trụ có người lái, nhằm hỗ trợ việc hạ cánh xuống Mặt Trăng sau này.
Tuy nhiên, một nhiệm vụ nữa là thử các thức ăn không gian mới. Grissom và Young được cấp các gói thực phẩm đã sấy khô, và cần dùng súng nước để khôi phục chúng.
Trong hồi ký của mình, Young viết: "Một số đại biểu quốc hội bực bội, vì nghĩ rằng với việc lén đem theo chiếc bánh mì và ăn một phần của nó, Gus và tôi đã bỏ mặc những đồ ăn không gian mà chúng tôi cần đánh giá, tiêu tốn của quốc gia hàng triệu USD".
Ủy ban Phân bổ ngân sách Quốc hội Mỹ tiếp tục nói về vụ bánh mì kẹp, một phát ngôn viên còn công khai chỉ trích quản trị viên của NASA, đánh giá đây là hành động "có chút ghê tởm".
Young bị khiển trách - cũng là lần đầu một thành viên chuyến bay vào không gian của NASA gặp phải. Sau này, Young cũng hối hận vì hành động của mình, nhất là khi câu chuyện bị nhắc đi nhắc lại.
Chiếc bánh được tái hiện và bảo quản trong nhựa resin. Ảnh: Collectspace. |
Từ đó đến giờ, chưa một chiếc bánh mì kẹp nào khác được đưa lên vũ trụ, và Young tiếp tục sự nghiệp của mình cho tới khi qua đời. Quán Wolfie đã đóng cửa, nhưng một bản sao của chiếc bánh mì nổi tiếng được bảo quản tại bảo tàng Grissom ở Mitchell, Indiana.
Nếu muốn thưởng thức một chiếc bánh mì kẹp thịt bò theo kiểu của phi hành gia Young, bạn cần chọn loại đơn giản nhất: chỉ có bánh mì và thịt. Sau này, Young than thở rằng chiếc bánh còn chẳng có mù tạt hay dưa muối.