Phí hạn chế phương tiện: Có phải tăng gánh nặng cho dân?
"Nếu lợi ích chưa đạt được mà các khoản phí trở thành gánh nặng và làm cho đời sống của nhiều người dân bị ảnh hưởng thì rõ rằng câu chuyện đảm bảo an sinh xã hội cũng cần phải xem lại" - ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Công ty quản lý Bến xe Phía Tây Hà Nội cho biết.
>> Chưa thu phí hạn chế phương tiện trong năm 2012
>> 'Không nên thu phí hạn chế xe máy'
Những người nào đã có tiền của để mua ô tô đi thì việc thu phí vài chục triệu/năm đối với họ chẳng thấm vào đâu…Tuy nhiên cơ quan chức năng cần xác định rõ đối tượng nào để mà thu phí.
Nhưng ở đây đặt ra một vấn đề đối với những người tích cóp được dăm bảy trăm triệu để mua được một chiếc ô tô “nhàng nhàng” đi thì việc thu phí giao thông đối với họ là cả một vấn đề.
Bởi vì họ đâu có dư giả so với những người cũng có ô tô “hạng sang” để đi, và việc “đánh” phí giao thông hàng năm như vậy, cộng với các khoản phí khác sẽ khiến cho một số ít các nhóm người này không chịu được, buộc phải tính đến chuyện bán ô tô của mình đi, chuyển sang phương tiện khác…
Đối với các DN vận tải tôi cho rằng nếu thu phí giao thông thì rất ít doanh nghiệp chịu lỗ, vì họ kinh doanh phải hạch toán lỗ lãi, có lãi thì họ mới làm... Nếu họ chấp nhận đóng một khoản phí giao thông hàng năm thì đương nhiên họ phải tính vào giá vé, lúc đó giá vé các tuyến xe khách liên tỉnh sẽ tăng và người gánh chịu cuối cùng vẫn là dân mình thôi…
Mặc dù có thu phí thì cũng là nhằm làm cho cuộc sống của người dân tốt hơn, cho nên nếu lợi ích chưa đạt được mà các khoản phí đó trở thành gánh nặng và làm cho đời sống của nhiều người dân bị ảnh hưởng thì rõ rằng câu chuyện đảm bảo an sinh xã hội cũng cần phải xem lại.
Ô tô vận tải đang bị vây bủa bởi nhiều loại phí |
Công ty vận tải Công Thành cho hay, hiện các doanh nghiệp vận tải đang phải đóng rất nhiều loại phí. Bao gồm: phí cầu đường, phí xăng dầu, bảo hiểm xe, phí đăng kiểm, phí cao tốc Trung Lương khá cao (đối với các xe vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh vùng ĐBSCL)… Ngoài ra, một số loại xe mới mua còn phải chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu xe, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường và phí trước bạ… Nay lại thu thêm phí bảo trì đường bộ thì thật là khó khăn chồng chất khó khăn.
Không những mất thêm tiền phí, hoạt động làm ăn, kinh doanh của từng cá nhân trong ngành vận tải cũng gặp khó khăn do người dân thắt chặt chi tiêu. Anh Minh Tuấn, tài xế hãng taxi Mai Linh lo lắng: “Sau lần điều chỉnh tăng giá theo giá tăng của xăng dầu hồi tháng 3, nhiều người đã ngần ngại đi taxi. Thay vào đó, nếu đi một người thì họ chọn đi xe ôm hơn là đi taxi. Nay mà tiếp tục thu phí, chắc chắn số người đi taxi sẽ tiếp tục giảm”.
Theo ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp Hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, qua những khó khăn của doanh nghiệp giao thông cho thấy, các loại phí thực sự đang là gánh nặng, hút bớt lợi nhuận của doanh nghiệp. Hiện tại, lãi suất ngân hàng và các khoản chi phí cho vận tải như: nhiên liệu, lốp xe… đều tăng cao.
Chỉ riêng phí cầu đường hiện có cũng đã đủ bao vây các doanh nghiệp vận tải. Mật độ các trạm thu phí tại các trục đường vận tải chính của doanh nghiệp như: TP.HCM – Vũng Tàu, TP.HCM – Bình Dương, TP.HCM – ĐBSCL, TP.HCM - Đắk Lắk… đang vào khoảng 30 - 40 km/trạm. Một doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa từ cảng Cát Lái (quận 2, TP.HCM) đi các tỉnh ĐBSCL thì phí cầu đường doanh nghiệp này phải đóng chiếm khoảng 19% giá cước của chuyến hàng đó.
Mức phí bảo trì phải dựa trên mức độ tác động lên đường bộ của mỗi loại phương tiện. |
"Nhiều doanh nghiệp đã hoạt động không có lãi. Nay lại thu thêm phí tức là khiến các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn", ông Chung lo lắng.
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vận tải đã không chịu nỗi áp lực chi phí và đã công bố phá sản. Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2012 mới đây của UBND TP.HCM, trong số hơn 930 doanh nghiệp giải thể và khoảng 5.000 doanh nghiệp đã thông báo ngưng hoạt động với Cục thuế TP thì có nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành vận tải.
Bên cạnh đó, theo ông Chung, ngoài việc thu phí hàng loạt gây khó khăn cho doanh nghiệp thì mức phí thu cũng không phù hợp và không có cơ sở xác định rõ ràng. Ông Chung cho rằng, mức phí ban hành phải dựa trên cơ sở khoa học, các cơ quan soạn thảo phải đánh giá được một cách chính xác mức độ tác động lên đường bộ của mỗi loại phương tiện để có mức phí phù hợp cho mỗi loại phương tiện.
T.Phương
Theo Infonet