Phi công Mỹ đi tìm lại người bắn rơi mình
Hai phi công ở hai chiến tuyến đã gặp lại nhau trong dịp lễ Giáng sinh 2012. Dịp này 40 năm trước, phi công Trần Việt đã bắn rơi phi công Jack R.Trimble, để bây giờ Trimble mang sang Việt Nam lời nhắn của người mẹ: Bà cảm ơn ông vì đã bắn rơi mà không bắn chết tôi.
Vợ chồng Trimble- Rachel cùng Trần Việt bên chiếc Mig-21 mà Trần Việt từng lái. |
4 phi công nhảy dù
Tuần trước, biết tôi đang “lang thang” ở “phố Phi công” - (phố Lê Trọng Tấn), một người bạn vốn nhiều lần qua Mỹ, đã gửi vào hộp thư điện tử của tôi một bức thư của Đại tá phi công Dan Cherry.
Cherry giới thiệu người bạn mình là Trung tá phi công Mỹ Jack R.Trimble - nguyên là thành viên phi hành đoàn trên Phantom (con ma) F4 - bị bắn rơi ngày 27/7/1972 bởi một phi công Việt Nam lái chiếc Mig-21. Trimble đã kịp nhảy dù và bị bắt làm tù binh.
Sắp tới, J.Trimble sẽ du lịch Việt Nam và ở lại Hà Nội đúng vào dịp Noel, trong hai ngày 24 và 25/12/2012. Sau 40 năm, lần đầu tiên trở lại Việt Nam, Trimble rất mong muốn tìm gặp lại người phi công lái Mig - 21 đã bắn rơi ông ta để học hỏi thêm…
Nhận thấy đây là ý tưởng khá độc đáo và thú vị, tôi đã cùng người bạn để tâm tìm hiểu. Sau khi tra cứu tài liệu, sách báo, và liên lạc với một số tướng, tá, phi công từng lái chiếc Mig - 21 và tham gia chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi đã có được một số thông tin khá rõ ràng từ hai phía. Các tài liệu của Không quân Mỹ công nhận rằng, trong ngày 27/12/1972, có hai chiếc F4 bị Mig-21 bắn rơi tại chỗ, cả 4 phi công nhảy dù đều bị bắt sống.
Chiếc thứ nhất do hai phi công Mỹ điều khiển là Đại úy John Wesley Anderson và Trung úy nhất Brian H.Ward thuộc phi hành đoàn 4 - Không đoàn TFW 432.
Chiếc F4 làm nhiệm vụ hộ tống các máy bay cường kích (ném bom - PV) sau khi đánh phá xong. Khi biên đội rời khỏi khu vực đã thả bom thì số 4 của biên đội chỉ kịp nhìn thấy chiếc số 3 bị bắn cháy, tổ bay nhảy dù.
Chiếc F4 thứ hai do Thiếu tá Carl H.Jeffcoat và Trung úy nhất Jack R.Trimble thuộc phi đoàn 13 - Không đoàn 432 TFW điều khiển, khi bay làm nhiệm vụ MIGCAP cho các máy bay tìm kiếm tổ bay F111 (đã bị các máy bay Mig tấn công và bắn rơi tối hôm trước).
Chiếc F4 của Thiếu tá C.Jeffcoat đã bị trúng tên lửa của Mig-21 và rơi xuống cách Hà Nội 35 dặm về phía Tây Bắc. Cả hai phi công nhảy dù nhưng nhanh chóng bị bắt sống.
Sự thừa nhận của Không quân Mỹ rất trùng hợp với sử liệu của Việt Nam, tóm lược như sau: Ngày 27/12/1972, thời tiết tốt, Không quân Hải quân Mỹ tổ chức các đội tấn công lớn trên cả hướng Hà Nội và Hải Phòng bằng các loại bom thông thường và bom laser để đánh phá các trận địa tên lửa và các đài radar phát sóng chỉ huy.
Biên đội Mig - 21 của Trung đoàn Không quân 927 gồm Đỗ Văn Lanh - Dương Bá Kháng trực ban chiến đấu. Đến 13 giờ 34 phút thì cất cánh. Kháng bắn, chiếc F4 rơi tại chỗ, rồi nhanh chóng thoát ly, nhập đội với Lanh về sân bay Nội Bài hạ cánh an toàn lúc 13 giờ 54 phút.
Lúc đó, tại “thung lũng con ma” (các phi công ta đặt tên cho khu vực Hòa Bình là “mồ chôn F4” hoặc “thung lũng con ma”) vẫn có nhiều tốp máy bay Mỹ hoạt động.
Nhận định đây có thể là những tốp máy bay vào tìm cứu các phi công, cho nên, Trung đoàn Không quân 921 đã lệnh cho phi công Trần Việt bí mật phục kích tại sân bay đất Miếu Môn. 15 phút sau khi Lanh - Kháng hạ cánh, Trần Việt được lệnh cất cánh.
14 giờ 11 phút kíp trực ban dẫn đường gồm Lê Thành Chơn - Lê Kiếu dẫn chiếc Mig - 21 của Trần Việt bay hướng 90 độ, đi dưới mây, sau đó vòng phải rồi chuyển hướng bay 150 độ xuyên lên cao 5.000m. 14 giờ 14 phút, địch vòng ở phía Đông Hòa Bình 15 km, Trần Việt đến Kim Bảng, Sở chỉ huy cho vòng phải vào tiếp địch và lên độ cao 7.000m.
14 giờ 16 phút 20 giây, Trần Việt phát hiện 2 chiếc F4 ở phía dưới, bên phải, 45 độ, 8 km, sau đó thấy chúng đan chéo nhau và tăng tốc. Lúc này, nhận thấy Trần Việt đang rơi vào thế bất lợi nên Sở chỉ huy cho phép Trần Việt thoát ly, hạ cánh; trong giây lát, Trần Việt xin phép “vẫn có thể đánh. Xin phép được công kích”.
Sở chỉ huy đồng ý, Trần Việt quyết định để tăng lực, tốc độ 1000km/h, rồi vòng gấp bên phải bám chiếc F4 thứ 2, do làm động tác vòng gấp quá mạnh, tốc độ chiếc Mig-21 giảm xuống còn 800km/h.
Đúng lúc đó, Trần Việt nhanh mắt phát hiện chiếc F4 số 2 bổ xuống, anh tăng tốc bám theo và ổn định kính ngắm, đến cự ly 1500m, tốc độ 1100km/h, Trần Việt ấn nút phóng quả tên lửa bên trái, quả tên lửa lao thẳng vào mục tiêu.
Trần Việt kịp nhìn rõ chiếc F4 khựng lại, gãy làm đôi, bốc cháy, rơi xuống “thung lũng con ma”. Trần Việt nhanh chóng thoát ly ra phía đông, qua sông Hồng, vòng lên hướng Bắc hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài lúc 14h32”.
Chiếc Mig-21 của Trần Việt vẫn còn “để dành” được 1 quả tên lửa (mỗi chiếc Mig-21 chỉ mang được 2 quả tên lửa còn 1 chiếc F4 có thể mang tới 6 quả). Đây là chiếc F4 thứ 3 bị Trần Việt bắn rơi và cũng là chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ bị không quân Việt Nam bắn hạ vào ban ngày trên vùng trời miền Bắc.
Từ những thông tin trên, có thể nhận định rằng, người bắn hạ chiếc F4 do Jeffcoat và Trimble điều khiển là một trong hai phi công Dương Bá Kháng và Trần Việt.
Tuy nhiên, để trả lời chính xác ai là người trực tiếp bắn rơi chiếc F4 đó, phải dựa trên ba cơ sở: Sơ đồ trận đánh - thời gian diễn ra trận không chiến và ký ức của phi công hai phía. Xem lại sơ đồ trận đánh, cộng với thời gian chiếc F4 bị bắn rơi mà đại tá phi công Dan Cherry đề cập trong thư, cùng một số thông tin khác, cho thấy nhiều khả năng, người bắn rơi chiếc F4 kia là Thiếu tướng phi công Trần Việt (ở thời điểm đó, cũng như Trimble, phi công Trần Việt đeo quân hàm trung úy - PV).
Tuy nhiên, trước cuộc gặp với Trimble, thiếu tướng Trần Việt cùng chúng tôi thống nhất với nhau rằng, hãy để Trimble kể tỉ mỉ trước về thời gian, diễn biến của trận đánh rồi mới đi đến kết luận cuối cùng.
Cuộc gặp
J.R Trimble, ở giữa, hàng thứ 2, ảnh lưu giữ tại Hỏa Lò. |
Tham dự cuộc gặp mặt giữa hai nhân chứng lịch sử, có nhóm phóng viên chuyên mục”camera giấu kín” của truyền hình CAND (ANTV).
Nhằm đảm bảo tính chính xác tuyệt đối và cũng để tạo bất ngờ, mọi người thống nhất không cho Trimble biết về sự có mặt của Trần Việt. Tại địa điểm gặp gỡ, có hai bàn được kê gần nhau, ở giữa có kệ để hoa, đủ để hai bên nghe được các lời đối thoại.
Thiếu tướng Trần Việt và tôi được đạo diễn sắp xếp ngồi trò chuyện ở một bàn. Khi Trimble đến, sẽ ngồi bàn bên cạnh và trả lời phỏng vấn của các đồng nghiệp, lúc này, thiếu tướng Trần Việt sẽ kiểm chứng lời kể của Trimble.
Một lát sau, hai vợ chồng Trimble cùng tới ngồi vào bàn bên. Các phóng viên vào việc ngay, đề nghị Trimble kể lại chi tiết về thời gian, diễn biến trước và sau khi bị bắn hạ. Ở bàn bên này, sau hơn nửa giờ đồng hồ ngồi nghe hồi tưởng của Trimble, Thiếu tướng Trần Việt ghé vào tai tôi: “Chính xác rồi, đúng là anh ta đã bị mình bắn rơi!”.
Đúng lúc đó, ở bên, các phóng viên hỏi: “Ông cảm thấy thế nào nếu ngay bây giờ được gặp mặt phi công Việt Nam đã bắn rơi máy bay của ông”. Trimble thốt lên: “Không còn gì tuyệt vời hơn!”.
Người đó đang ở bên cạnh ông đây!
Hai phi công già tiến tới bắt tay nhau. Trimble lặng đi vì xúc động: “Hôm nay là ngày đặc biệt trong đời tôi, tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi không bao giờ quên”.
Người phi công Việt Nam giọng nhẹ nhàng: Chỉ còn đúng hai ngày nữa là tròn 40 năm kể từ lần gặp đầu tiên giữa hai chúng ta trên bầu trời. Lúc đó cả hai đều không biết mặt nhau, tôi chỉ kịp nhìn thấy chiếc F4 khựng lại, gãy gập rồi bốc cháy rơi xuống.
Khi chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, đã đôi lần tôi tự hỏi không biết số phận của những phi công trong chiếc F4 ấy như thế nào, cuộc sống, gia đình ra sao?
“Sau hiệp định Paris, tháng 3 năm 1973, tôi được trở về đất nước, sống ở Kentucky, sau này được phong hàm Trung tá. Thiếu tá Jeffcoat đã qua đời vì bệnh tật.
Tôi có ba con, trong đó có một đứa con gái theo nghiệp phi công. Lần đầu tiên sau 40 năm trở lại Việt Nam, tôi đưa vợ cùng đi, vợ tôi - Rachel, xúc động lắm. Trước lúc sang bên này, mẹ tôi, 94 tuổi rồi, còn dặn đi dặn lại tôi rằng: Sang bên đó, nếu gặp được người đã bắn rơi máy bay con thì nhớ chuyển lời cảm ơn của mẹ đến anh ta, vì không biết anh ấy bắn thế nào mà máy bay thì rơi còn con vẫn sống để trở về với mẹ…”.
Dứt lời, Trimble lấy ra một tấm ảnh chụp trước lúc bay sang bắn phá miền Bắc và hai mô hình F4, trân trọng tặng Trần Việt. Người phi công già Việt Nam cũng tặng cho Trimble chiếc đĩa đồng in hình Khuê Văn Các và cũng không quên tặng cho bà Rachel chiếc khăn lụa Hà Đông. Rachel tỏ ra vô cùng xúc động, khoác ngay khăn, miệng liên tục: Cảm ơn.
Cuộc gặp gỡ đầy ắp tiếng cười, thi thoảng lại lắng xuống bởi sự xúc động của vợ chồng Trimble- Rachel.
Trong bữa cơm thân mật, mặc dù chưa hợp khẩu vị, nhưng mỗi khi Trần Việt gắp thức ăn (Trần Việt hơn Trimble một tuổi), Trimble đều ăn hết. Trần Việt còn lấy một bát bún đầy, chan xì dầu rồi hướng dẫn Trimble ăn bằng đũa. Dù có đôi chút khó khăn, Trimble vẫn ăn hết bát bún. Mọi người cười vang.
Sau cuộc gặp, mọi người đi thăm Bảo tàng Phòng không- Không quân. Vợ chồng phi công Mỹ không ngờ rằng, mình lại được chụp ảnh cùng “đối phương”, bên chiếc Mig-21 từng bắn rơi chiếc F4 cách nay 40 năm; họ lại bất ngờ và xúc động hơn khi thăm lại “khách sạn Hilton” (Hỏa Lò), khi thấy ảnh của Trimble bị bắt 40 năm trước vẫn lưu lại đây.
Tiền Phong