Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phi công 9X lái thủy phi cơ vượt 14.000 km về Việt Nam

Năm 2013, khi tròn 22 tuổi, Nguyễn Văn Thuận trở thành phi công lái thủy phi cơ DHC-6 đầu tiên của Hải quân Việt Nam về nước sau hành trình dài 14.000 km, bay qua 5 quốc gia.

Đại úy Nguyễn Văn Thuận (28 tuổi) là Phó phi đội trưởng Phi đội 2, Lữ đoàn 954, Quân chủng Hải quân. Anh là một trong những tấm gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019.

Dấu ấn đáng ghi nhớ nhất của phi công 9X này là hoàn thành nhiệm vụ lái chiếc thủy phi cơ DHC-6 đầu tiên của Hải quân Việt Nam từ Canada, bay qua 5 nước và trở về Việt Nam.

phi cong anh 1
Đại úy Nguyễn Văn Thuận (28 tuổi), Phó phi đội trưởng Phi đội 2, Lữ đoàn 954, Quân chủng Hải quân. Ảnh: Hải Nam.

Học lái tàu, đi làm phi công

Nguyễn Văn Thuận là con út trong gia đình có 8 anh chị em ở Giao Thủy, Nam Định. Có anh trai cả là lái tàu hải quân, tình yêu biển đảo nhen nhóm trong Thuận từ khi còn nhỏ. Do vậy, anh quyết tâm thi vào Học viện Hải quân với chuyên ngành đào tạo thuyền trưởng tàu mặt nước.

Sau 2 năm học, anh trúng tuyển vào khóa học tàu ngầm. Rồi cơ duyên đến khi có chương trình đào tạo về lái máy bay kiểu mới dành cho hải quân, người lính trẻ lại đăng ký và vượt qua các vòng kiểm tra nghiêm ngặt để được lựa chọn.

Nguyễn Văn Thuận cùng 7 người khác trở thành 8 học viên đầu tiên của Việt Nam được tuyển chọn sang Canada để đào tạo phi công quốc tế cá nhân và phi công thương mại.

2 năm học tập và sinh sống ở nước ngoài với người lính trẻ đầy ắp những khó khăn, vất vả. Khó khăn lớn nhất như anh chia sẻ, đó là rào cản về ngôn ngữ.

“8 người được cử đi học Canada là những phi công đầu tiên của Việt Nam khai thác loại máy bay thủy phi cơ DHC-6. Máy bay mới chỉ có một giáo viên duy nhất là người nước ngoài. Vì thế tôi xác định ngôn ngữ chính là chìa khóa để thành công”, đại úy Thuận chia sẻ.

phi cong anh 2
Đại úy Nguyễn Văn Thuận cùng 7 học viên trong khóa đào tạo phi công tại Canada. Ảnh: NVCC.

Anh cho biết có thầy dạy bay riêng và cô giáo dạy ngoại ngữ riêng. Bất cứ thời gian rảnh nào, anh cũng đều gọi cho các thầy cô để trao đổi và học hỏi, trau dồi thêm vốn từ.

Sau 3 tháng miệt mài học tập, chàng phi công trẻ được chuyển sang bay thực hành cùng thầy giáo. Tích lũy được 27 giờ bay trên không, đến tháng 3/2011, anh chính thức được trao quyền bay đơn.

“Với một phi công, được cho phép bay đơn là một sự công nhận rất ý nghĩa. Ngày thực hiện chuyến bay đầu tiên là mốc lịch sử đối với tôi. Dù có chút sợ hãi, áp lực khi không có thầy giáo ngồi bên cạnh nhưng tôi đã vượt qua tất cả để hoàn thành 2 vòng bay khép kín”, đại úy Thuận nhớ lại cảm giác "lâng lâng tuyệt vời" khi kết thúc chuyến bay đầu tiên.

Tròn 2 năm sau, anh thực hiện chuyến bay tốt nghiệp, nhận bằng phi công cá nhân và bằng phi công thương mại.

7 học viên khác trở về, riêng Thuận được chọn ở lại Canada làm trợ giảng phiên dịch cho các sĩ quan của Việt Nam được cử sang theo khóa học sửa chữa máy bay.

phi cong anh 3
Phi công Nguyễn Văn Thuận cùng thầy giáo dạy bay người nước ngoài. Ảnh: NVCC.

Dấu ấn trên hành trình lái thủy phi cơ về Việt Nam

Tháng 10/2013, đại úy Thuận nhận một nhiệm vụ đặc biệt, đó là lái chiếc thuỷ phi cơ DHC-6 đầu tiên của Hải quân Việt Nam về nước. Hành trình kéo dài 50 giờ bay trên không, qua 5 quốc gia, vùng lãnh thổ, 7 sân bay với tổng quãng đường 14.000 km và kéo dài liên tục trong 10 ngày. Với chàng phi công trẻ, đó là một hành trình đặc biệt ấn tượng, đáng nhớ và đầy tự hào.

“Chuyến bay xuất phát từ Canada sang Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Bắc rồi về Việt Nam. Tôi nhớ khi hạ cánh xuống sân bay của Mỹ, trời rét căm căm. Rồi đến Nga, hồ nước cạnh sân bay đóng băng nên phải nhịn đói vì không mua được gì để ăn. Đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cũng đều có những trải nghiệm rất thú vị”, đại úy Thuận hào hứng kể.

phi cong anh 4
Năm 2013, thủy phi cơ DHC-6 do phi công Nguyễn Văn Thuận hạ cánh xuống Cam Ranh. Ảnh: NVCC.

Nhưng với anh, xúc động nhất là khoảnh khắc máy bay về đến không phận Việt Nam, được nghe giọng nói của người anh từng tham gia khóa đào tạo trên đài chỉ huy chào đón mình về quê hương, được mọi người chờ đón ở sân đỗ máy bay… Với chàng phi công trẻ, đó là một cảm giác rất tuyệt vời, hạnh phúc sau tròn 2 năm xa quê hương.

Đại úy Thuận chia sẻ lái thủy phi cơ khác và khó so với các loại máy bay khác, bởi phương tiện này có 2 đặc tính - cũng chính là 2 yêu cầu đòi hỏi rất khắt khe: Có thể cất, hạ cánh trên nước và trên những đường băng ngắn, hẹp như đường băng ở Trường Sa.

Những đặc tính này đòi hỏi phi công phải có sự chính xác tuyệt đối trong mọi quyết định, không được phép có sai lệch dù là nhỏ nhất.

Bay biển đã khó, bay Trường Sa còn khó hơn

Nói về các chuyến bay ra Trường Sa, đại úy Thuận cho rằng bay biển là nội dung rất khó vì thời tiết diễn biến phức tạp, có thể gây cảm giác sai nếu phi công không cẩn trọng, tỉ mỉ, tỉnh táo. Nhưng bay ra Trường Sa lại càng khó hơn khi phải bay hoàn toàn trên biển với khoảng cách hơn 250 hải lý. Sân bay Trường Sa lại có đường băng hẹp, ngắn nên không được sai sót dù là vài cm.

“Với tốc độ của máy bay thì quãng đường này là rất ngắn nên phi công phải tính toán cực kỳ cẩn thận. Chỉ sơ suất một chút là hết đường băng không cất cánh được, máy bay sẽ lao ra biển”, phi công Thuận nói.

phi cong anh 5
Đại úy, phi công Nguyễn Văn Thuận trong một lần lái thủy phi cơ. Ảnh: NVCC.

Nhắc đến khó khăn, chàng phi công trẻ kể lại thời gian bay vào mùa hè, khoảng tháng 5-6, anh có thể cởi áo vắt ra nước được vì mồ hôi và vì áp lực trong mỗi chuyến bay, bởi thầy giáo luôn yêu cầu rất khắt khe.

Các chuyến bay ra Trường Sa, đại úy Thuận cho biết thường thực hiện rất nhiều nhiệm vụ.

Có khi là đưa các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ hay các đoàn công tác ra Trường Sa. Khi thì thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, hoặc chở đồ ra cho các chiến sĩ ở đảo.

“Ngoài đó rất thiếu thốn nên mỗi chuyến có máy bay ra, tôi luôn tính làm sao mang được nhiều đồ cho anh em. Có khi chỉ là ít rau xanh hay trứng vịt lộn, với người ở đất liền là những thứ bình thường, nhưng ở ngoài đảo lại cực kỳ quý giá. Thậm chí, trứng vịt lộn mang ra anh em chỉ ăn ít thôi, còn để lại nuôi thành vịt”, đại úy Thuận nói.

Hỏi anh “là một phi công trẻ có thấy áp lực không khi thực hiện những chuyến bay chở các lãnh đạo ra thăm Trường Sa”, anh cười thừa nhận áp lực. Nhưng nói phải biết cách vượt qua áp lực ấy để nhận thức rằng nguyên thủ quốc gia cũng như những hành khách khác, họ ngồi sau tay lái của mình thì mình phải đảm bảo an toàn cho họ.

phi cong anh 6
Chiếc thủy phi cơ do đại úy Nguyễn Văn Thuận lái trong một lần được điều động ra Trường Sa cứu người. Ảnh: NVCC.

Trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, đại úy Thuận kể từng lái nhiều chuyến bay chở bệnh nhân cần cấp cứu từ Trường Sa vào đất liền.

Có chuyến bay bệnh nhân mê man vì bị tràn dịch phổi, bác sĩ yêu cầu cho bệnh nhân nằm mới có thể truyền dịch được, nhưng máy bay chỉ có ghế, không thể nằm được. Bằng những kiến thức về kỹ thuật đã học, anh nghĩ ra cách tháo ghế cho bệnh nhân nằm.

Gọi điện xin ý kiến thủ trưởng, thủ trưởng hỏi lại “Có làm được không?”, đại úy Thuận nói được. Rồi anh tháo 3 hàng ghế để lấy chỗ cho bệnh nhân nằm truyền trên suốt hành trình bay. Sau đó bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, tình hình ổn định đã gọi điện cho anh để nói lời cảm ơn.

Tự thấy phi công là nghề khá đặc thù và rất áp lực nhưng đại úy Thuận nói anh không bao giờ hối tiếc về sự lựa chọn của mình. Bởi lẽ nghề này với anh “được nhiều hơn mất”, có chăng chỉ là quỹ thời gian dành cho gia đình bị hạn hẹp.

Đại úy Thuận đã lập gia đình vừa có 2 cô con gái sinh đôi. Anh chia sẻ ban đầu vợ và gia đình vợ cũng khá e ngại với công việc của mình, nhưng dần dần cũng hiểu và thông cảm hơn.

phi cong anh 7
Đại úy Nguyễn Văn Thuận muốn trở thành một phi công luôn bay giỏi và bay an toàn. Ảnh: NVCC.

Nhà chỉ cách đơn vị 2 km nhưng chàng phi công trẻ mỗi tháng chỉ về nhà 4-5 buổi rồi lại vội vã trở về đơn vị. Đến mức bà con hàng xóm còn hỏi vợ rằng sao không bao giờ thấy chồng ở nhà. Với anh “như thế cũng là hạnh phúc rồi”, bởi có nhiều đồng đội khác phải đi biền biệt cả năm trời.

“Khi đã là người lính thì mình chấp nhận tất cả những điều đó”, đại úy Thuận chia sẻ.

Nói về mục tiêu trong cuộc sống, anh tâm niệm việc trở thành phi công bay giỏi và bay an toàn. Với những kinh nghiệm đã có, đại úy Thuận đang tập trung trở thành giáo viên đào tạo bay với mong muốn truyền đạt những gì mình đã học, tích lũy được cho thế hệ phi công kế cận.




Hoài Thu - Hải Nam

Bạn có thể quan tâm