'Phép thử của Trung Quốc với Thủ tướng Nhật Bản'
Trung Quốc vừa công bố kế hoạch triển khai một đội khảo sát đến quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông. Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) số ra ngày 14/3 cho rằng đây chẳng qua chỉ là một phép thử phản ứng của Trung Quốc đối với Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. |
Ông Lý Bành Đức, Cục phó Cục Bản đồ Quốc gia Trung Quốc, đã nói ngày 12/3 rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ triển khai một đội chuyên gia khảo sát để tiến hành nghiên cứu toàn diện về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku “vào một thời điểm thích hợp” và khi “sự an toàn của đội khảo sát có thể được đảm bảo”.
Ba tàu hải giám Trung Quốc đã tiếp cận quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ngày 12/3, tiến vào khu vực Nhật Bản tuyên bố chủ quyền lãnh hải. Trung tâm Bảo vệ Bờ biển Khu vực thứ 11 thuộc thành phố Naha của tỉnh Okinawa của Nhật Bản nói rằng đây là lần đầu tiên các tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Nhật Bản kể từ ngày 6/3, nhưng là vụ xâm nhập thứ 33 kể từ khi Nhật Bản mua lại quần đảo này từ các chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9 năm ngoái.
Giáo sư Go Ito, một chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Meiji ở Tokyo nhận xét rằng “chiến lược cơ bản của Trung Quốc hiện nay là cố gắng khiêu khích và đe dọa Nhật Bản, gây sức ép đối với Chính phủ Nhật Bản để xem chính quyền Abe phản ứng như thế nào”. Giáo sư Go Ito nhấn mạnh: “Chiến thuật của Bắc Kinh là thực hiện 3 hoặc 4 bước tiến trong các tuyên bố chủ quyền của họ đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, và sau đó lùi một hoặc 2 bước. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng họ sẵn sàng khảo sát đất đai trên thực tế ở quần đảo này để vẽ bản đồ”.
Tuy nhiên, sự hiện diện của các tàu hải giám và máy bay Trung Quốc ở khu vực gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đã khiến lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản phải duy trì sự cảnh giác và hồi tháng 1 vừa qua đã xuất hiện lo ngại khi một tàu Trung Quốc bị phía Nhật Bản phát hiện đang mở cánh cửa khoang chứa máy bay. Phía Nhật Bản lo ngại rằng Trung Quốc đang chuẩn bị cho một máy bay trực thăng cất cánh đến một trong các hòn đảo trên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, mặc dù điều này đã không xảy ra.
Nhật Bản sẽ kịch liệt phản đối bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc trong việc cử một đội khảo sát đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku - một tình huống làm gia tăng khả năng xảy ra một cuộc xung đột bất ngờ trên biển dẫn đến leo thang căng thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên, nếu các chuyên gia khảo sát của Trung Quốc đổ bộ lên quần đảo này, Nhật Bản sẽ triển khai lực lượng thực thi pháp luật để bắt giữ họ vì tội xâm nhập trái phép.
Giáo sư Go Ito cho rằng Nhật Bản có hai lựa chọn trong vấn đề này. Lựa chọn thứ nhất là bắt giữ các chuyên gia khảo sát trong một thời gian ngắn trước khi trao trả họ về Trung Quốc mà không đưa ra lời buộc tội nào. Cách làm này sẽ không làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh, mặc dù nó sẽ được Chính phủ Trung Quốc hiểu rằng đây là một dấu hiệu cho thấy sự yếu đuối của chính phủ Nhật Bản.
Lựa chọn thứ hai là bắt giữ các chuyên gia khảo sát trong khoảng thời gian nhà chức trách Nhật Bản hoàn thành thủ tục đưa ra những cáo buộc chính thức đối với họ. Cách làm này sẽ được tiến hành nếu như các chuyên gia khảo sát Trung Quốc phản kháng và các nhân viên công vụ Nhật Bản bị thương.
Tuy nhiên, Giáo sư Go Ito cho rằng khả năng thứ hai gần như chắc chắn sẽ lại làm dấy lên những vụ biểu tình bạo lực chống Nhật Bản như đã từng xảy ra ở hàng chục thành phố của Trung Quốc hồi năm ngoái sau khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản khi được hỏi về vấn đề này đã từ chối bình luận về bất kỳ hành động nào có thể xảy ra từ phía Tokyo nếu người Trung Quốc đổ bộ lên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, nhưng đã bày tỏ quyết tâm của Chính phủ Nhật Bản trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Nhật Bản. Quan chức này tuyên bố: “Quần đảo Senkaku là một phần lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản dựa trên những thực tế lịch sử và luật pháp quốc tế. Trung Quốc không cần phải tiến hành một cuộc khảo sát đo đạc ở đó.”
Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước, Nhật Bản đã cho biết sẽ triển khai ở biển Hoa Đông hai máy bay giám sát biển đầu tiên trong thế hệ máy bay giám sát biển mới nhất của nước này trước cuối tháng này. Đây là loại máy bay phản lực P-1 do Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki của Nhật Bản chế tạo.
Loại máy bay này sẽ được đưa vào thay thế dần phi đội máy bay tuần tra 80 chiếc P-3C của lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản. Máy bay P-1 nhanh hơn máy bay P-3C và có tầm hoạt động rộng hơn, vì vậy, nó có thể hoạt động lâu hơn ở những khu vực nhạy cảm.
Theo Vietnamplus