Một chút đau âm ỉ ở vết mổ cũ vẫn xuất hiện và sự lo lắng, liệu khối u có tái phát trở lại thỉnh thoảng vẫn ám ảnh trong anh. “Tôi đang mong đứng được trên đôi chân của mình, dù ở đó là một chân giả” - Hải nói.
Hải với khối u khổng lồ khi chưa được phẫu thuật. |
Tôi đã chinh phục được Langbiang
“Sau phẫu thuật hơn một năm tôi mới dần quen cảm giác thiếu thiếu cái chân sao ấy! Ngày tôi phẫu thuật xong, lúc tỉnh lại vẫn chưa hình dung ra được sẽ như thế nào, nhưng thấy mình cứ trống trải và nhẹ hẳn ra mặc dù đau đớn sau mổ nhiều lắm. Lúc đó trong đầu tôi cứ miên man suy nghĩ từ nay sẽ mất đi “cục nợ” 90kg, nhưng lại thấy nhớ vì nó đã theo mình quá lâu và cũng là một phần thân thể của mình mà” - Hải kể một mạch không dừng.
Hải kể, từ lúc khối u to lên, xung quanh Hải chỉ có bốn bức tường. Ngôi nhà một mẹ, một con quá ít người càng trở nên vắng vẻ và buồn hơn. Hải chẳng dám ra ngoài một phần vì khó di chuyển và một phần sợ mọi người xầm xì về khối u của mình. Gần 15 năm, giờ đây Hải mới thoát ra khỏi bốn bức tường và được ung dung dạo phố.
“Bạn bè tôi chở tôi đi loanh quanh, uống cà phê buổi sáng để tán dóc… Tôi cũng nổi tiếng (cười) vì giờ đây, mỗi khi ra đường, người dân ở đây nhận ra tôi nhiều lắm. Có người thấy tôi nhưng tôi không quen vẫn dừng lại hỏi như người thân: Hải khoẻ chưa em, lúc đó thấy cảm động lắm!” - Hải kể.
Hải khẳng định chắc nịch: “Tôi bắt đầu trở lại cuộc sống như những người bình thường khác nên có thể tự lo cho bản thân mình. Với khung tập đi, tôi lọ mọ lò cò quanh nhà và làm vài việc nhẹ như nhặt rau, nấu cơm. Thời khoá biểu của Hải bắt đầu từ đúng 7h sáng, Hải thức dậy, uống càphê với bạn hàng xóm. Cách hai - ba ngày thì nhờ bạn chở lên phố dạo mát. Chiều tối thì nghe nhạc và xem tivi.
Hải hỏi ngược: “Anh đã chinh phục đỉnh Langbiang chưa?”. Tôi trả lời chưa thì Hải cười, thua rồi nhé! Một năm sau phẫu thuật, Hải quyết chí cùng bạn bè chinh phục đỉnh Langbiang cho bằng được.
“Tôi lên Langbiang để đón mặt trời buổi sáng. Dậy từ 4h sáng và ngồi co ro chờ tia nắng đầu tiên. Mọi người nói, ở Đà Lạt mà chưa đón buổi sáng trên đỉnh Langbiang thì đừng lên Đà Lạt làm gì. Bây giờ có cơ hội nên tôi muốn thử cảm giác đó như thế nào. Tôi là dân Đà Lạt, chưa thấy mà kể cho người khác nghe có nghĩa là mình xạo”.
Khối u quái không còn tái phát
Vừa nói chuyện với tôi, Hải luôn miệng nhắc hai từ “may mắn”. Theo dõi Hải từ lúc được đưa đến bệnh viện Ung bướu TP.HCM khám cho đến chuyển qua bệnh viện FV mới thấy hết được giá trị của hai từ may mắn ấy. Qua bao nhiêu bệnh viện đều nhận được những cái lắc đầu không dám mổ sẽ gặp “sợ rủi ro đủ thứ” vì chẳng ai tin nổi có một khối u quá lớn và hiếm gặp trên thế giới lại có ở Việt Nam.
Hải và ê kíp bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ khối u khổng lồ (GS BS McKinnon ngồi cạnh Hải). |
Không trách được điều đó, vì ngay cả nhiều bệnh viện trên thế giới cũng nhát tay khi phẫu thuật khối u độc nhất vô nhị này. Điều này dễ hiểu khi hàng trăm tờ báo của nước ngoài đã đến bệnh viện theo dõi và đưa tin về ca mổ, thậm chí kênh truyền hình MorningStar Entertainment của Mỹ ghi hình trực tiếp về sự kiện y khoa lịch sử có một không hai để cho các bác sĩ trên thế giới học tập.
Nhớ lại tháng 11/2011, bác sĩ McKay McKinnon quyết định sang VN để tìm hiểu, dự định phẫu thuật ngay cho Hải ở một bệnh viện tại TP.HCM, nhưng vì nhiều lý do, ca phẫu thuật đã phải hoãn. Sau sự cố trên khiến Hải sốc mạnh và bác sĩ McKay McKinnon cũng suy nghĩ nhiều. Sau này bác sĩ McKinnon mới thổ lộ rằng, chẳng lẽ... bỏ cuộc, nếu vậy thì Hải sẽ sống cùng với khối u quái phát triển từng ngày trong đau khổ và tuyệt vọng. Chỉ có ông mới hy vọng can thiệp được cho Hải.
Thế rồi, ông quyết định không do dự quay lại Việt Nam lần thứ 2. Ông chia sẻ: “Khi đã bắt đầu làm điều gì, tôi không bao giờ muốn bỏ cuộc giữa chừng. Tôi không phải là người như vậy. Đây là ca thử thách đối với tôi và đặc biệt ở khía cạnh lương tâm của một bác sĩ không cho phép quay lưng với bệnh nhân của mình. Nếu tôi không tiếp tục, họ cũng sẽ nằm đó và chờ chết... Hải còn quá trẻ”.
Đã quyết là làm, sau hơn 10 giờ tiến hành phẫu thuật tại bệnh viện FV ở TPHCM, khối u đã được cắt bỏ thành công với niềm vui vỡ oà cả trong phòng phẫu thuật lẫn phòng chờ được truyền hình trực tiếp. Đến thời điểm này, ông khẳng định ca phẫu thuật của Nguyễn Duy Hải là ca phẫu thuật khó nhất trong nhiều ca khó mà ông đã từng thực hiện.
Trong những ngày đầu tháng 8 quay trở lại Việt Nam để thực hiện nhiều ca phẫu thuật u bướu “quái” khác, bác sĩ McKinnon tranh thủ khám lại cho Hải và báo tin mừng: “Sức khỏe Hải đang hồi phục tốt và không có dấu hiệu tái phát khối bướu. Trường hợp của Hải là cực hiếm trong những ca bướu hiểm nghèo. Tôi mong anh ấy tiếp tục thành công trong việc theo đuổi một cuộc sống có ích”.
Cũng theo bác sĩ McKinnon, kết quả tái khám của Hải trùng với kết quả của tất cả bệnh nhân mắc bướu sợi thần kinh (neurofibromatosis) mà ông từng phẫu thuật. Khối bướu không tái phát là vì đã được cắt bỏ hoàn toàn khỏi gốc cùng những mạch máu nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, trên thực tế, vết thương của Hải vẫn còn đau âm ỉ suốt thời gian qua, thậm chí anh phải dùng cả thuốc giảm đau. Bác sĩ McKinnon trấn an: Chỉ có một chút dịch vẫn còn trong vết mổ cũ và sẽ được rút ra một cách dễ dàng. Đây là phẫu thuật đơn giản. “Tôi đang mong được lắp chân giả để tự đứng lên bằng đôi chân của mình và không cần phải dùng khung như hiện nay” - Hải nói.
Tôi sợ và không dám yêu ai
Về tương lai, nghề nghiệp, Hải không một chút do dự mà nhìn thẳng vào sự thật với một chút tiếc nuối: “Mặc dù thoát khỏi khối u nhưng sức khoẻ của tôi vẫn còn yếu, chân và tay hơi run nên không thể làm việc nặng và những việc tỉ mỉ được. Trước đây, tôi mơ ước sau khi lành bệnh sẽ đi học sửa điện thoại di động để kiếm sống và lo được cho bản thân mình. Nhưng bây giờ vẫn chưa thực hiện được”.
Hải bây giờ. |
Sau vết mổ đã liền da, Hải cũng tìm chỗ xin học sửa chữa điện thoại ở gần nhà. May mắn Hải gặp được ông chủ tốt bụng đồng ý truyền nghề miễn phí. Thế nhưng, chỉ vào học được hai - ba ngày Hải đành bỏ cuộc vì khi cầm dụng cụ và những con ốc nhỏ thì tay anh run, lọng cọng.
Hải nói có vẻ tiếc rẻ: “Tôi thích nghề này lắm, cứ tưởng đâu là công việc nhẹ nhàng không tốn sức thì có thể làm được. Nhưng khi vào cuộc mới thấy không dễ chút nào. Sức khoẻ tôi không cho phép làm công việc này. Tôi mong muốn có công việc nào phù hợp để lo cho bản thân chứ không dựa mãi vào mẹ già được”.
Nghe nhiều người mách bảo, Hải bàn với mẹ lấy giấy tờ nhà đi cầm cố để vay vốn cho anh mở một quán karaoke ở Đà Lạt, thế nhưng, khi mở ra, do không có kinh nghiệm nên việc kinh doanh lại không thành công. Giờ đây anh Hải và mẹ sinh sống bằng nguồn tài trợ nhỏ mỗi tháng từ chị ruột đang sống Mỹ. “Cuộc sống tạm ổn nhưng đó không phải là cách sống dài lâu” - Hải nói.
“Thế anh không dự định lập gia đình à?”. “Không anh à. Nhất định là không!” - Hải khẳng định chắc như đinh đóng cột. “Tại sao?”. “Với tôi, tình yêu là một thứ xa xỉ quá mà tôi không dám mơ tưởng tới. Tôi không dám yêu ai và cũng chưa được ai yêu nên không trông mong gì việc lập gia đình”.
“Nếu có một người cùng cảnh ngộ muốn tìm hiểu bạn thì sao?”. Hải cười: “Coi là bạn thân thì được chứ yêu khì không. Ai đảm bảo căn bệnh của tôi không có di truyền? Tôi sợ cảnh những đứa con sinh ra rồi lại mang những khối u quái ác như tôi thì tội cho chúng lắm”.
Hải cho biết thêm: “Mới đây, tôi nhận được điện thoại từ Hà Nội của một cô gái mang khối u 20 kg nhờ giúp đỡ. Quả thật, tôi chỉ biết cho cô ấy số điện thoại của những “Mạnh Thường Quân” trong nhóm “những người tạo ra phép màu” và hy vọng bác sĩ Mc Kinnon sẽ giúp cô ấy và nhiều trường hợp có khối u ở Việt Nam”.