Sau hơn 3 tháng thảo luận, tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã đưa ra quyết định luận tội cuối cùng với bà Park. Tòa khẳng định bà Park và bạn thân pháp sư Choi Soon Sil có liên quan đến quá trình ra quyết định tại hai quỹ chính trị gây tranh cãi. Đồng thời, tòa khẳng định nữ tổng thống đã phạm luật khi cho phép bà Choi can thiệp công việc của chính phủ. Bản án của tòa cũng yêu cầu bà rời nhiệm sở.
Tiếng nói của công chúng được lắng nghe
Cuộc bầu cử để chọn ra tổng thống mới của Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào tháng 5/2017. Trong khi đó, nếu không vướng vào bê bối, bà Park sẽ tại vị đến hết nhiệm kỳ vào tháng 2/2018.
Các nhà phân tích cho biết việc bà Park phải xuống chức nhấn mạnh quyền của người dân trong việc giám sát các lãnh đạo và yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm cho những hành vi sai trái. Kể từ khi vụ việc được phanh phui hồi tháng 10/2016, người dân Hàn Quốc đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình với quy mô lớn trong hòa bình, nhằm gây sức ép với bà Park.
Những người ủng hộ bà Park Geun Hye phản đối phiên luận tội tổng thống gần tòa án Hiến pháp hôm 9/3. Ảnh: Kim Hong Ji. |
“Việc bà ấy bị phế truất chứng tỏ rằng vị trí tổng thống không còn là một nơi để trú ẩn nữa”, Yonhap dẫn lời nhà phân tích chính trị Jun Kye Wan cho biết. “Trường hợp của bà Park cho thấy tầm ảnh hưởng của công chúng... ngay cả với người lãnh đạo do chính họ bầu”.
Các nhà quan sát nhận định nguyên nhân chính khiến bà Park bị thất sủng là vì phong cách lãnh đạo “đơn độc” và thiếu sự kết nối ngay cả với những thư ký cấp cao của bà. Ngoài ra, cơ cấu chính phủ trao quyền hạn lớn cho một lãnh đạo cũng góp phần dẫn đến bê bối này.
“Đảng cầm quyền có nhiều mâu thuẫn với đường lối do tổng thống đưa ra, còn bà Park thì cho rằng không cần phải lắng nghe ai cả… đó là những lý do quan trọng dẫn tới thất bại chính trị của bà ấy”, giáo sư chính trị tại Đại học Myongji Kim Hyung Joon nói.
Vụ bê bối của Tống thống Park bắt nguồn từ việc đài JTBC của Hàn Quốc tiết lộ nội dung trong máy tính bảng mà bà Choi Soon Sil từng sử dụng. Theo đó, nữ tổng thống 64 tuổi của Hàn Quốc bị cáo buộc để bà Choi can thiệp nội chính, đồng thời gây sức ép để buộc các tập đoàn, trong đó có tập đoàn nổi tiếng Samsung, đóng góp tiền cho hai quỹ chính trị của mình. Phó chủ tịch tập đoàn Sam Sung Lee Jae Yong mới đây cũng đối mặt với cáo buộc đưa hối lộ.
Hàng nghìn người biểu tình yêu cầu bà Park từ chức hồi tháng 10/2016 tại thủ đô Seoul. Ảnh: Getty. |
Bên cạnh đó, bà Park cũng được cho là thiếu trách nhiệm trong thảm họa chìm phà năm 2014 ở Hàn Quốc khiến hơn 300 người thiệt mạng.
Vụ bê bối khiến tỷ lệ ủng hộ bà sụt giảm nghiêm trọng, có thời điểm chỉ còn 4%. Những cuộc biểu tình kêu gọi bà Park rời ghế tổng thống nổ ra trên khắp cả nước. Các công tố viên nhanh chóng nhập cuộc, tiến hành điều tra làm rõ vụ việc.
Thất bại nặng nề nhất
Vụ tai tiếng được cho là thất bại lớn nhất mà bà Park phải gánh chịu trong suốt sự nghiệp chính trị vốn nhiều sóng gió. Trước đó, bà từng thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Xanh năm 2007 và bị tấn công bằng dao, làm đứt một đường dài 11 cm trên mặt, khâu 60 mũi trong chiến dịch vận động tranh cử trước đó một năm.
Lần này, mặc dù luôn lên tiếng phủ nhận các cáo buộc tham nhũng và lợi dụng chức quyền nhưng cuối cùng bà vẫn bị phế truất.
Bà Park trúng cử vào quốc hội Hàn Quốc vào năm 1998 và chịu nhiều ảnh hưởng từ người cha cũng là cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee. Ông Park là người đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Hàn Quốc, dù bị chỉ trích nặng nề vì phóng cách lãnh đạo độc tài. Ông cầm quyền trong 18 năm rồi bị ám sát.
Trong suốt cuộc đời theo đuổi nghiệp chính trị, bà Park dày công xây dựng hình ảnh chính trị gia “có đạo đức và đáng tin cậy”. Bà mạnh tay thực hiện kế hoạch chuyển một số văn phòng trọng yếu của chính phủ sang thành phố Sejong, vốn gây nhiều tranh cãi. Tuy vậy, theo những người chỉ trích bà, hình ảnh này dần bị lu mờ bởi phóng cách lãnh đạo “giáo điều”.
Nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc từng bị tấn công bằng dao vào năm 2006. Ảnh: Chosun Ilbo. |
Những tham vọng bỏ ngỏ
“Người dân muốn bà Park kế thừa những thành tựu trong di sản lãnh đạo của người cha đồng thời khắc phục những điểm yếu của ông. Nhưng cuối cùng, bà ấy đã không đáp ứng được kỳ vọng của công chúng”, ông Jun cho hay. “Bà Park không nắm bắt được những xu hướng mới và không đủ linh hoạt trong việc hiểu suy nghĩ của người khác”.
Vụ bê bối lớn của bà Park kéo dài qua nhiều tháng, gây ra những chia rẽ về chính trị và xã hội khó hàn gắn. Theo các học giả, nhiệm vụ lớn nhất mà người kế nhiệm bà Park phải đối mặt là đoàn kết đất nước trong bối cảnh các thách thức về an ninh và kinh tế bủa vây.
“Hàn Quốc cần có thời gian để ổn định, các chính khách phải tích cực tìm cách thúc đẩy hội nhập và thống nhất đất nước thay vì chí trích lẫn nhau”, Ông Lee Chung Hee, giáo sư chính trị tại Đại học Ngoại giao Hankuk, nhấn mạnh.
Bà Park lên nắm quyền vào tháng 2/2013 với nhiều khó khăn từ nhỏ đến lớn như vụ bê bối khiêu dâm liên quan trợ lý cũ của bà hay những vụ thử vũ khí hạt nhân đáng báo động từ phía Triều Tiên.
Quyết định luận tội và đình chỉ mọi chức vụ đối với đương kim tổng thống làm trì hoãn những tham vọng của bà Park. Những mục tiêu còn dang dở này bao gồm hồi sinh nền kinh tế đang chậm phát triển, cải cách tài chính, giáo dục, lao động và các khu vực công, xây dựng lòng tin với Triều Tiên để đăt nền tảng cho sự thống nhất hai miền cũng như thúc đẩy hòa bình và hợp tác ở khu vực Đông Bắc Á.