Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phe Cộng hòa muốn trừng phạt ông Trump, nhưng sợ bị trừng phạt lại

Các thượng nghị sĩ Cộng hòa muốn buộc ông Trump phải chịu trách nhiệm kích động vụ bạo loạn ở Điện Capitol, nhưng không muốn bỏ phiếu luận tội cựu tổng thống vì sợ bị trả đũa.

Đối với Thượng nghị sĩ John Thune, lãnh đạo số 2 của phe Cộng hòa tại Thượng viện, hành động của cựu Tổng thống Donald Trump trước vụ bạo loạn ở Điện Capitol là điều không thể bào chữa.

"Hoàn toàn không thể bào chữa. Cách ông ấy hành xử sau cuộc bầu cử, cả trong phát ngôn lẫn hành động nhằm thay đổi kết quả. Không có gì để bào chữa", Thượng nghị sĩ Thune cho biết.

Nhưng giống các chính trị gia Cộng hòa khác, ông Thune không trả lời rõ ràng Thượng viện nên xử trí thế nào đối với cựu tổng thống, người có bài phát biểu được cho là "mồi lửa" kích động người biểu tình tuần hành tới Điện Capitol, gây ra vụ bạo lực khiến 5 người chết.

"Rõ ràng, có một cách là sử dụng pháp luật", Thượng nghị sĩ Thune nói.

Sợ ra mặt đối đầu

Phiên tòa luận tội ông Trump dự kiến bắt đầu ngày 8/2. Trong lúc đó, các thượng nghị sĩ Cộng hòa đang chỉ trích ông Thune vì chưa có hành động cụ thể.

Các thượng nghị sĩ này muốn giữ khoảng cách với cựu tổng thống, nhưng cũng không muốn bỏ phiếu luận tội ông Trump bởi lo ngại sẽ phải trả giá nếu công khai "phản bội" cựu tổng thống và nhóm cử tri trung thành với phong trào MAGA (Make America Great Again).

Một số nghị sĩ cho biết cần có biện pháp xử lý đối với những gì ông Trump đã làm, nhưng đồng thời không ủng hộ sự tham gia của Thượng viện.

Khi được hỏi về mối liên hệ giữa hành động của cựu Tổng thống Trump với vụ bạo loạn ở Điện Capitol, Thượng nghị sĩ Texas John Cornyn, một thành viên của ban lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện, nói ông "sẽ không bào chữa" cho những hành động ấy.

"Tôi nghĩ ông ấy đã bị xét xử trước tòa án dư luận", Thượng nghị sĩ Cornyn nói. Tuy nhiên, ông này cho rằng Thượng viện không tham gia luận tội cựu Tổng thống Trump bởi sẽ tạo ra môt "tiền lệ nguy hiểm".

luan toi cuu tong thong trump anh 1

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện và là đồng minh thân cận của cựu tổng thống, từ lâu đã không nói chuyện với ông Trump. Ảnh: New York Times.

Những phát biểu mới đây cho thấy đang có sự chia rẽ giữa các nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện và Hạ viện trong thời kỳ hậu Donald Trump.

Nhiều nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện tới nay vẫn là người ủng hộ trung thành của cựu tổng thống. Các hạ nghị sĩ Cộng hòa nói ông Trump không làm gì sai và không thể là người bị đổ lỗi.

"Tổng thống Trump không gây ra vụ tấn công ở Điện Capitol hôm 6/1", Hạ nghị sĩ Marjorien Taylor Greene nói với cử tri ủng hộ ở Georgia.

Tại Hạ viện, một số nghị sĩ Cộng hòa đã bỏ phiếu thách thức chiến thắng của ông Biden hôm 6/1, trong khi số nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện ủng hộ thách thức ít hơn.

Hôm 28/1, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy đã có cuộc gặp với ông Trump tại Florida. Ông McCarthy cũng đã rút lại chỉ trích nhắm vào cựu tổng thống trước đó. Động thái này là lời khẳng định phe Cộng hòa đã đoàn kết nhằm giành lại quyền kiểm soát Hạ viện vào năm 2022.

Trong khi đó, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell từng tuyên bố ông chưa nói chuyện với ông Trump kể từ 15/12/2020. Hiện không rõ ông McConnell đã liên lạc lại với cựu tổng thống hay chưa.

Bài học cho các thượng nghị sĩ Cộng hòa

Những tuần qua, 10 hạ nghị sĩ Cộng hòa từng "vào hùa" với đảng Dân chủ để luận tội ông Trump ở Hạ viện đối mặt "bão" công kích từ chính nội bộ phe bảo thủ, thậm chí ngay tại quê nhà.

Bài học đó giúp các thượng nghị sĩ Cộng hòa hiểu rõ tương lai nào đang chờ đợi họ nếu bỏ phiếu "phản bội" cựu Tổng thống Trump trong ngày 8/2.

Ngay cả Thượng nghị sĩ McConnell, người được cho là từng cáo buộc ông Trump phải chịu trách nhiệm trong vụ nổi loạn ở Điện Capitol, cũng từ chối phát biểu công khai về vấn đề này.

Ông McConnell cũng bỏ phiếu ủng hộ một dự thảo nghị quyết do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul bảo trợ nhằm bác bỏ phiên tòa luận tội với lý do trái hiến pháp.

Thượng nghị sĩ Paul cho biết ông đã thông báo cho các đồng nghiệp trong đảng đêm trước ngày giới thiệu dự thảo nghị quyết tại Thượng viện, nhằm củng cố tiếng nói của phe Cộng hòa với thông điệp Thượng viện không thể tham gia tiến trình luận tội một cựu tổng thống.

Chỉ 5 nghị sĩ Cộng hòa phản đối dự thảo nghị quyết do Thượng nghị sĩ Paul đệ trình. Những người này gồm Pat Tommey đại diện Pennsylvania và sắp về hưu, Susan Collins đại diện Maine, Lisa Murkowski đại diện Alaska, Ben Sasse đại diện Nebraska, và Mitt Romney đại diện Utah.

luan toi cuu tong thong trump anh 2

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul. Ảnh: AP.

Lập luận của 5 thượng nghị sĩ này là từng có tiền lệ việc Thượng viện luận tội các quan chức liên bang sau khi họ rời nhiệm sở. Đây cũng sẽ là cơ sở phe Dân chủ sử dụng để luận tội ông Trump trong phiên tòa ngày 8/2.

Tuy nhiên, sau kết quả bỏ phiếu với dự thảo nghị quyết vừa qua, cả hai phe đều hiểu rõ sẽ không có đủ 67 phiếu ủng hộ của các thượng nghị sĩ để kết tội cựu Tổng thống Trump. Đảng Dân chủ hiện nắm 50 ghế Thượng viện. Đảng này cần thuyết phục 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ nếu muốn luận tội ông Trump.

"Tại đất nước chúng ta, có một thứ gọi là thủ tục tố tụng hợp lệ, và có thứ gọi là tòa án kangaroo. Chúng ta không cần một tòa án kangaroo", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bill Cassidy nói.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mike Braun ban đầu ký đơn phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri đoàn của Arizona, thách thức chiến thắng của ông Biden. Sau khi vụ bạo loạn diễn ra, ông Braun rút lại phản đối của mình.

Giờ đây, thượng nghị sĩ này cũng giống như các đồng nghiệp Cộng hòa khác, chỉ trích ông Trump nhưng cho biết sẽ không đồng ý luận tội cựu tổng thống.

Thượng nghị sĩ Braun nói khó có thể phủ nhận mối liên hệ giữa hành động của ông Trump và vụ bạo lực chết người. Tuy nhiên, ông không thoải mái với việc tạo ra tiền lệ luận tội một tổng thống đã rời nhiệm sở.

"Với tôi, tạo ra tiền lệ như vậy là điều rất tệ hại. Ông ấy không còn ở đây, ông ấy đã là một công dân bình thường", Thượng nghị sĩ Braun nói.

Tòa án Mỹ giữ lại chính sách thời Trump về trục xuất trẻ nhập cư

Một tòa phúc thẩm liên bang hôm 30/1 ra phán quyết cho phép nhà chức trách Mỹ tiếp tục trục xuất trẻ em nước ngoài xâm nhập biên giới trái phép, nếu các em không có cha mẹ đi kèm.

Tòa án Mỹ giữ lại chính sách thời Trump về trục xuất trẻ nhập cư

Một tòa phúc thẩm liên bang hôm 30/1 ra phán quyết cho phép nhà chức trách Mỹ tiếp tục trục xuất trẻ em nước ngoài xâm nhập biên giới trái phép, nếu các em không có cha mẹ đi kèm.

Tám ngày trước phiên tòa, 5 luật sư rời bỏ ông Trump

Năm luật sư trong đội ngũ pháp lý của ông Trump bất ngờ rời nhóm, khi phiên tòa xét xử cựu tổng thống sẽ diễn ra ở Thượng viện trong 8 ngày tới.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm