Đụng độ xảy ra hôm 21/10 ở thủ đô Bangkok, giữa nhóm bảo hoàng mặc áo vàng với những người biểu tình đòi giới hạn quyền lực hoàng gia. Người biểu tình cũng yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức. Ảnh: Reuters. |
Ước tính hàng nghìn người đã tập trung tại Tượng đài Chiến thắng ở thủ đô Bangkok để tuần hành, bất chấp các biện pháp khẩn cấp của chính phủ về cấm tụ tập đông người. Trong khi đó, một nhóm áo vàng đổ về bên ngoài Đại học Ramkhamhaeng để ủng hộ hoàng gia và Vua Maha Vajiralongkorn. Ảnh: Reuters. |
Xô xát xảy ra khi các nhóm biểu tình bắt đầu xuất hiện gần nơi tập trung của lực lượng bảo hoàng. Ảnh: Reuters. |
Các thành viên "phe áo vàng" tiến lại gần những người biểu tình. Hai bên to tiếng qua lại, rồi ném chai lọ, xô xát với nhau. Cảnh sát nhanh chóng tiếp cận hiện trường và chia tách thành viên của hai phe. Ảnh: Reuters. |
Theo Reuters, các cuộc biểu tình ngày 21/10 không bùng phát thành bạo lực. Điều này khác với diễn biến hồi tuần trước, khi cảnh sát chống bạo động phải sử dụng dùi cui và vòi rồng để giải tán đám đông. Ảnh: Reuters. |
Người phát ngôn cảnh sát Yingyos Thepjumnong cho biết nhà chức trách đối xử công bằng với các nhóm, bất kể vì mục đích biểu tình là phản đối hay ủng hộ hoàng gia. "Mỗi ngày chúng tôi sẵn sàng cho mọi tình huống. Chúng tôi cần cân bằng giữa thực thi pháp luật với an toàn, trật tự xã hội, bất kể đó là cuộc tập trung của nhóm nào", ông Yingyos nói. Ảnh: Reuters. |
Các cuộc biểu tình trở thành thách thức lớn nhất với phe quân đội đã nắm quyền tại Thái Lan những năm qua. Đây cũng là lần đầu tiên sự chống đối công khai nhắm vào hoàng gia xuất hiện trong các cuộc tuần hành, bất chấp luật cấm hành vi khi quân với mức hình phạt lên tới 15 năm tù. Ảnh: Reuters. |
Ngày 21/10, Thủ tướng Prayuth cho biết lệnh tình trạng khẩn cấp ở thủ đô sẽ sớm được bãi bỏ. Động thái này nhằm giảm phẫn nộ của người dân, qua đó có thể kết thúc các cuộc biểu tình tại Bangkok. Ảnh: Reuters. |