Một cuộc phẫu thuật, tranh vẽ bởi Gaspare Traversi. Ảnh: Leemage/UIG via Getty Images. |
Lorenz Heister, một bác sĩ người Đức thế kỷ 18, đã mô tả phẫu thuật đoạn nhũ tại phòng khám của ông như thể nó là một nghi lễ hiến tế: “Nhiều phụ nữ có thể chịu được phẫu thuật này với lòng can đảm chưa từng thấy và chẳng hề biết hé răng rên rỉ là gì. Tuy nhiên, nhiều người khác phản đối gay gắt rằng họ có thể làm mất nhuệ khí của ngay cả vị bác sĩ ngoại khoa dũng cảm nhất và cản trở việc phẫu thuật. Để thực hiện ca mổ, bác sĩ ngoại khoa cần phải kiên định và không cho phép mình lo âu bởi nước mắt của bệnh nhân”.
Cuốn Morbid Anatomy (Giải phẫu bệnh học) của Matthew Baillie đã đặt nền tảng tri thức cho việc phẫu thuật cắt bỏ khối u. Nếu mật đen không tồn tại như Baillie đã phát hiện thì việc cắt bỏ ung thư bằng phẫu thuật có thể giúp cơ thể thoát khỏi bệnh thật sự. Nhưng phẫu thuật, ở khía cạnh thực hành, vẫn chưa sẵn sàng cho các thủ thuật như vậy.
Vào thập niên 1760, một bác sĩ ngoại khoa người Scotland, John Hunter, cậu của Baillie, đã âm thầm bắt đầu cắt bỏ các khối u của bệnh nhân tại một bệnh viện ở London, bất chấp lời dạy của Galen. Nhưng những nghiên cứu kỹ lưỡng của Hunter - ban đầu thực hiện trên động vật và xác chết được bí mật cất giữ trong nhà - đã bị mắc kẹt tại một nút thắt cổ chai rất quan trọng.
...
Hunter là một nhà giải phẫu học hoàn hảo, nhưng tâm trí phẫu thuật của ông vượt xa bàn tay của ông. Một người thiếu thận trọng và bồn chồn với năng lượng gần như vô hạn, người ngủ chỉ có bốn giờ mỗi đêm, Hunter đã thực hành các kỹ năng phẫu thuật của mình không ngừng nghỉ trên xác chết từ mọi ngóc ngách trong thế giới động vật - trên khỉ, cá mập, hải mã, chim trĩ, gấu và vịt.
Nhưng với người sống thì ông thấy mình ở trạng thái bế tắc. Ngay cả khi ông làm việc với tốc độ chóng mặt, đánh thuốc mê bệnh nhân của mình với rượu và thuốc phiện đến gần bất tỉnh, thì bước nhảy vọt từ xác chết lạnh tanh, không có máu sang người sống vẫn mang đầy nguy hiểm. Như thể cơn đau trong khi phẫu thuật chưa đủ tệ hại, các mối đe dọa từ nhiễm trùng sau phẫu thuật cũng dần hiện ra. Những ai còn sống sót sau thử thách khủng khiếp trên bàn phẫu thuật thì cũng thường chết sớm một cách đáng thương trên chính chiếc giường của họ ngay sau đó.
Trong khoảng ngắn từ năm 1846 đến năm 1867, hai khám phá đã cuốn phăng hai vấn đề ám ảnh trong phẫu thuật, cho phép các bác sĩ ngoại khoa ung thư xem lại các kỹ thuật táo bạo mà Hunter đã cố gắng hoàn thiện tại London.
Vào một thế kỷ sau đó, khám phá đầu tiên là gây mê, đã được minh họa công khai vào năm 1846 tại một giảng đường phẫu thuật khép kín ở Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cách phòng thí nghiệm dưới hầm của Sidney Farber chưa đầy 10 dặm. Khoảng 10 giờ sáng ngày 16/10, một nhóm các bác sĩ tập trung tại một căn phòng giống như hầm mỏ tại trung tâm bệnh viện.
Nha sĩ Boston, William Morton, đã tiết lộ một bình bay hơi nhỏ bằng thủy tinh chứa khoảng một lít ê-te được gắn với một ống hít. Ông mở vòi và yêu cầu bệnh nhân, Edward Abbott, một thợ in, hít vài hơi. Khi Abbott chìm vào trong giấc ngủ sâu, một bác sĩ ngoại khoa bước vào trung tâm của giảng đường và với một vài thao tác nhanh gọn, khéo léo đã rạch một đường nhỏ ở cổ Abbott và đóng lại mạch máu dị hình, sưng (được cho là “khối u” kết hợp giữa mô sưng lành tính và ác tính) bằng một mũi khâu nhanh gọn. Khi Abbott thức dậy một vài phút sau đó, ông nói, “Tôi không thấy đau bất cứ lúc nào cả dù biết rằng đang được phẫu thuật”.
Gây mê - làm biến mất cơn đau do phẫu thuật - cho phép bác sĩ ngoại khoa thực hiện các thao tác kéo dài, thường mất đến vài giờ. Nhưng vẫn còn rào cản là nhiễm trùng sau mổ. Cho đến giữa thế kỷ 19, người ta vẫn thường gặp những ca nhiễm trùng như vậy và chúng thường gây tử vong nhưng nguyên nhân của chúng vẫn là một bí ẩn. “Hẳn phải có yếu tố quỷ quyệt khó nắm bắt nào đó [trong vết thương]”, một bác sĩ ngoại khoa kết luận vào năm 1819, “mà chưa thể thấy được”.
Năm 1865, một bác sĩ ngoại khoa người Scotland tên là Joseph Lister đưa ra một giả thuyết đáng chú ý là làm thế nào để vô hiệu hóa “yếu tố quỷ quyệt” ẩn trong các vết thương một cách khó hiểu. Lister bắt đầu với một quan sát lâm sàng cổ xưa: vết thương để hở tiếp xúc với không khí sẽ nhanh chóng hoại tử, trong khi đó những vết thương kín thường sạch sẽ và không nhiễm trùng.
Ở khu vực hậu phẫu bệnh xá Glasgow, Lister đã một lần nữa lại nhìn thấy một bờ viền đỏ viêm tấy bắt đầu lan rộng ra từ vết thương và sau đó da dường như bị thối rửa từ trong ra ngoài, thường theo sau là sốt, chảy mủ và một cái chết nhanh chóng (một sự “mưng mủ” thật sự).
Lister đã nghĩ về một thí nghiệm dường như không liên quan. Tại Paris, Louis Pasteur, nhà hóa học lớn của Pháp, đã chỉ ra rằng nước luộc thịt tiếp xúc với không khí sẽ sớm bị đục và bắt đầu lên men, trong khi nước luộc thịt đóng kín trong một bình chân không tiệt trùng vẫn còn trong. Dựa trên những quan sát này, Pasteur đã đưa ra một tuyên bố táo bạo: độ đục được gây ra bởi sự phát triển của vi sinh vật vô hình - vi khuẩn - do rơi từ không khí vào nước luộc thịt.
Lister sau đó thực hiện một bước nhảy đầy cảm hứng khác. Nếu nhiễm trùng sau phẫu thuật được gây ra bởi vi khuẩn thì có lẽ quá trình kháng khuẩn hoặc hóa chất có thể hạn chế được sự nhiễm trùng này.
Tại một thị trấn lân cận vùng Carlisle, Lister đã quan sát thấy việc tiêu hủy chất thải bằng một chất lỏng có mùi thơm, giá rẻ chứa acid carbolic. Lister bắt đầu dùng acid carbolic cho vết thương sau phẫu thuật. (Việc dùng chất tẩy rửa cho các bệnh nhân dường như không khiến ông thấy bất thường chút nào).
Tháng 8/1867, một cậu bé 13 tuổi bị thương nghiêm trọng ở cánh tay khi vận hành máy tại một hội chợ ở Glasgow và được nhập viện vào bệnh xá của Lister. Vết thương của cậu bé hở và dính đầy bụi bẩn, điều kiện cho hoại tử xảy ra. Nhưng thay vì cắt cụt cánh tay, Lister đã thử dùng sáp acid carbolic với hy vọng giữ được cánh tay còn sống và không bị nhiễm trùng. Vết thương bấp bênh trên bờ vực bị nhiễm trùng nghiêm trọng, có nguy cơ hoại tử.
Nhưng Lister vẫn kiên định, tăng cường bôi acid carbolic. Sau một vài tuần, toàn bộ nỗ lực dường như vô vọng. Nhưng sau đó, giống như ngọn lửa chạy đến cuối của sợi dây thừng, vết thương bắt đầu khô lại. Một tháng sau đó, khi thuốc đắp được gỡ bỏ, lớp da bên dưới đã lành hoàn toàn.
Chỉ mất một thời gian ngắn để sáng kiến của Lister tham gia vào các bước tiến trong phẫu thuật ung thư. Năm 1869, Lister đã loại bỏ một khối u vú cho chị của ông, Isabella Pim, sử dụng bàn ăn làm bàn phẫu thuật, ê-te cho gây mê và acid carbolic để khử trùng.
Cô chị đã sống sót mà không bị nhiễm trùng (mặc dù cuối cùng vẫn chết vì di căn gan ba năm sau đó). Một vài tháng sau, Lister thực hiện phẫu thuật đoạn chi trên một bệnh nhân ung thư khác, có lẽ là một ca sarcoma đùi. Đến giữa năm 1870, Lister đã thường xuyên phẫu thuật trên bệnh ung thư vú và đã phẫu thuật cả các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng bởi ung thư nằm dưới vú.