Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phẫu thuật thẩm mỹ - ngành kinh doanh tỷ USD ở Hàn Quốc

Hàn Quốc được mệnh danh là “kinh đô dao kéo” của thế giới, với số lượt thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ bình quân đầu người cao nhất thế giới.

Là phụ nữ, ai cũng muốn mình thật xinh đẹp. G là một cô gái 20 tuổi sống ở Seoul, Hàn Quốc và làm việc trong ngành truyền hình. Vì tính chất công việc và một vài lý do cá nhân, G đã quyết định thay đổi khuôn mặt của mình. Cô đến trung tâm thẩm mỹ để nâng cao sống mũi và bấm mí mắt. Thật may mắn, ca phẫu thuật khá thành công và G vô cùng hài lòng về kết quả.

“Tôi đã có được sự tự tin về vẻ ngoài của mình, tôi không còn những mặc cảm như trước nữa. Tôi cũng cảm thấy tính cách của mình cũng bắt đầu thay đổi. Tôi thấy mình trở nên hướng ngoại hơn sau khi phẫu thuật”, G nói với HuffPost.

G chia sẻ thêm rằng, trong văn hóa Hàn Quốc, phẫu thuật thẩm mỹ được xem như là một mức cao hơn của trang điểm, do đó việc đụng đến dao kéo là vấn đề đã được bình thường hóa trong xã hội Hàn Quốc.

Bùng nổ công nghiệp dao kéo

Việc phẫu thuật thẩm mỹ đã trở nên phổ biến với mọi người, từ thanh thiếu niên muốn mình xinh đẹp hơn hay đến những người cao tuổi muốn tìm kiếm các giải pháp chống lão hóa.

phau thuat tham my cua Han Quoc anh 1
Biển quảng cáo phẫu thuật hàm kép tại một ga tàu điện ngầm ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Getty Images.

Giờ đây, Hàn Quốc được mệnh danh là “kinh đô dao kéo” của thế giới, với số lượt thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ bình quân đầu người cao nhất thế giới. Chỉ tính riêng tại Seoul đã có tới 600 cơ sở thẩm mỹ.

Trong một báo cáo năm 2011, Hiệp hội Phẫu thuật thẩm mỹ quốc tế ước tính rằng gần 650.000 ca phẫu thuật thẩm mỹ đã được thực hiện tại Hàn Quốc vào năm đó.

Thị trường khách hàng phẫu thuật thẩm mỹ quốc tế tại Hàn Quốc cũng đã mở rộng đáng kể.

Năm 2018, đã có khoảng 50.000 bệnh nhân người nước ngoài đến Hàn Quốc để phẫu thuật thẩm mỹ, mang đến một khoản tiền tổng cộng 189 triệu USD cho ngành làm đẹp nước này. Chủ yếu các ca thẩm mỹ là phẫu thuật cắt mắt hai mí, phẫu thuật hàm hai hàm (một thủ thuật cắt và sắp xếp lại xương hàm trên và dưới để tạo ra một khuôn hàm thon gọn hơn) và các chỉnh sửa khuôn mặt cũng như cơ thể khác.

Du lịch phẫu thuật thẩm mĩ trở thành một phần lý do hút khách đến với Hàn Quốc, phần đông từ Nhật Bản và Trung Quốc. Sân bay Incheon ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc thậm chí từng cân nhắc cho mở trung tâm phẫu thuật thẩm mĩ ngay tại đây, để du khách có thể thực hiện thủ thuật mà không cần phải vào thành phố.

Từ công cụ làm đẹp đến một phần cuộc sống

Phẫu thuật thẩm mỹ lần đầu tiên đi vào văn hóa chính thống của Hàn Quốc kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960. Các bác sĩ quân đội Mỹ đã thực hiện phẫu thuật cắt mắt hai mí để khắc phục đặc điểm “đôi mắt phương Đông” của bệnh nhân bản địa. Họ đã sử dụng phẫu thuật tái tạo như một biện pháp tự cải thiện nhanh chóng trên bán đảo bị chiến tranh tàn phá.

Năm 1974, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã phê duyệt phẫu thuật thẩm mỹ là một hoạt động y tế hợp pháp. Kể từ đó, ngành công nghiệp này đã trở nên bùng nổ và phát triển với tốc độ kinh ngạc, khiến Hàn Quốc không chỉ là “xứ sở kim chi” mà còn là cái nôi của làng dao kéo.

phau thuat tham my cua Han Quoc anh 2
Phẫu thuật thẩm mỹ đã trở thành nét văn hóa làm đẹp của người dân Hàn Quốc. Ảnh: Getty Images.

Ngày nay, phẫu thuật thẩm mỹ đã đi sâu vào văn hóa cũng như tiềm thức của người dân Hàn Quốc. Không có gì lạ khi những cô cậu học sinh trung học được tặng một ca phẫu thuật thẩm mỹ như một món quà tốt nghiệp. Theo đó, có rất nhiều ứng dụng, video cũng như các kênh YouTube có sẵn giúp mọi người chọn phòng khám và có kế hoạch làm đẹp bản thân.

Không chỉ tác động lớn đến phụ nữ, ngày càng có nhiều người đàn ông Hàn Quốc tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi ngoại hình của họ, tuy nhiên, chị em vẫn là đối tượng khách hàng chính của loại hình dịch vụ này.

Theo khảo sát vào năm 2015 bởi Gallup Korea, có 14% phụ nữ Hàn Quốc đã trải qua một số hình thức phẫu thuật thẩm mỹ, mặc dù con số thống kê đã nhảy vọt lên 30% đối với phụ nữ ở độ tuổi 20 nói riêng.

Ngược lại, một cuộc khảo sát của Pew Research cho thấy chỉ có 7% phụ nữ ở Mỹ đã đụng dao kéo. Trong đó, phẫu thuật nâng ngực và hút mỡ được xem là phương pháp thẩm mỹ phổ biến nhất ở quốc gia này.

Sự thúc đẩy mạnh mẽ và những mối lo ngại

Theo nhiều học giả phương Tây và một số phương tiện truyền thông, thuộc tính phổ biến của phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc bị ảnh hưởng bởi những tàn dư còn lại của chủ nghĩa đế quốc. Theo đó, người Hàn Quốc đang chạy theo những con dao, chiếc kéo với hy vọng làn da của họ được trắng trẻo mịn màng hơn.

phau thuat tham my cua Han Quoc anh 3
Ngày nay, phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ dừng lại ở mức độ thành công hay vừa ý, nó đã trở thành một cái gì đó phải cao hơn mức mong đợi. Ảnh: Getty Images.

Phẫu thuật thẩm mỹ để làm trắng là xu hướng đã xuất hiện từ trước những năm 1990.

“Phụ nữ Hàn Quốc muốn đạt được vẻ đẹp tinh khiết và tổng thể thông qua phẫu thuật thẩm mỹ”, bà So Yeon Leem, một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Seoul nói với HuffPost.

“Thật không công bằng khi nói rằng văn hóa Hàn Quốc đặt nhiều giá trị về ngoại hình hơn so với các nền văn hóa khác. Trong khi đó, văn hóa phương Tây cũng tồn tại một số quy chuẩn về sắc đẹp”, bà nói thêm.

phau thuat tham my cua Han Quoc anh 4
Nhiều người bị ám ảnh bởi ngoại hình của mình và tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: NYT.

Thật vậy, người Mỹ thường tập trung vào cơ thể nhiều hơn nên chúng ta sẽ thường thấy tỷ lệ nâng ngực và hút mỡ ở đất nước này cao hơn ở Hàn Quốc.

Các tiêu chuẩn sắc đẹp của mỗi quốc gia khác nhau, tùy theo từng nền văn hóa mỗi khu vực mà bệnh nhân cũng được vạch ra lộ trình làm đẹp khác nhau.

“Ngày nay, phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ dừng lại ở mức độ thành công hay vừa ý, nó đã trở thành một cái gì đó phải cao hơn mức mong đợi. Vượt lên so với nỗi ám ảnh của người Hàn về giáo dục hay tôn giáo, thì sự bùng nổ phẫu thuật thẩm mỹ gần như không phải là điều quá để quan ngại”, bà So Yeon Leem nhấn mạnh.

Tuy nhiên, áp lực xã hội để trở thành người “trên mức bình thường” luôn đi kèm với những hậu quả tiêu cực của nó. Ashley Kim, một cô gái trẻ tại Hàn Quốc nhớ lại những lời chỉ trích của gia đình về ngoại hình của cô khi cô còn nhỏ và lời khuyên của họ về việc phẫu thuật thẩm mỹ; chẳng hạn như “Tại sao con không làm gì vậy?”, “Sẽ không ai sẽ cưới con với cái mũi tẹt như vậy đâu”, hay “Tìm cách mà kiếm việc làm đi”...

Một điều đáng lo ngại trong xã hội Hàn Quốc với nếp nghĩ đã đi vào tiềm thức của người dân, họ luôn tin rằng họ sẽ không nhận được công việc tốt, một người chồng vừa ý, hoặc thậm chí sẽ không được thừa nhận nếu họ có vẻ ngoài xấu xí.



Hương Giang

Bạn có thể quan tâm