Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát triển văn hóa đọc trong các trường học ở Hà Tĩnh

Với hệ thống thư viện được đầu tư khang trang, nguồn sách phong phú, các trường học ở Hà Tĩnh đang lan tỏa văn hóa đọc trong học sinh bằng nhiều hình thức.

Giờ chào cờ của hơn 700 học sinh Trường Tiểu học 2 Tân Lâm Hương (Thạch Hà) trở nên hấp dẫn, cuốn hút hơn bởi chương trình sinh hoạt dưới cờ với chủ đề: Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng.

Diệu Huyền - lớp 3A1, Trường Tiểu học 2 Tân Lâm Hương giới thiệu đến các bạn câu chuyện “Công chúa ngủ trong rừng”.
Van hoa doc anh 1
Van hoa doc anh 1

Diệu Huyền - lớp 3A1, Trường Tiểu học 2 Tân Lâm Hương giới thiệu đến các bạn câu chuyện “Công chúa ngủ trong rừng”.

Em Phạm Diệu Huyền - học sinh lớp 3A1, Trường Tiểu học 2 Tân Lâm Hương cho biết: “Theo sự phân công của lớp, tuần này em giới thiệu đến các bạn câu chuyện “Công chúa ngủ trong rừng”. Đây là chuyện cổ tích mà em rất yêu thích. Từ nội dung câu chuyện, em muốn lan tỏa đến các bạn thông điệp: sự dũng cảm, can đảm có thể đánh bại cái ác, nhận được phần thưởng thích đáng”.

Cùng với các hoạt động giới thiệu sách, kể chuyện theo sách… học sinh còn có cơ hội giao lưu, trả lời câu hỏi về ý nghĩa, nội dung câu chuyện. Qua đó giúp các em nhớ lâu, hiểu sâu hơn về những thông điệp mà mỗi cuốn sách gửi gắm.

Để lan tỏa phong trào đọc sách, thời gian qua, ngoài duy trì các hoạt động đọc tại thư viện trường, tủ sách của lớp, thời gian này, Phòng GD&ĐT Thạch Hà đã phát động phong trào đọc, giới thiệu, tổ chức các cuộc thi viết, vẽ theo sách, chia sẻ sách theo chủ đề quê hương đất nước, Bác Hồ. Từ những trang sách sẽ giúp các em được đọc, được nghe, được tìm hiểu, qua đó giáo dục các em lòng yêu quê hương đất nước, tự hào về truyền thống của dân tộc. Các hoạt động này cũng giúp học sinh rèn luyện, phát triển các năng lực đặc thù, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giáo dục.

Trường Tiểu học Nam Hà thiết kế các không gian ngoài trời thành những góc đọc sách cho học sinh.
Van hoa doc anh 2
Van hoa doc anh 2

Trường Tiểu học Nam Hà thiết kế các không gian ngoài trời thành những góc đọc sách cho học sinh.

Tại Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh), thời gian qua, phong trào đọc sách đã trở thành nền nếp, thói quen của hơn 1.000 học sinh ở tất cả các khối, lớp. Làm bạn với sách trong mỗi giờ sinh hoạt lớp, giờ ra chơi, hay sau giờ ăn trưa… khiến mỗi ngày đến trường của các em thêm ý nghĩa. Tình yêu, niềm đam mê đọc sách cũng giúp các em hạn chế thời gian tiếp xúc với ti vi, điện thoại và những trò chơi trên không gian mạng.

Cô Tống Thị Thanh Bình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Để lan tỏa niềm đam mê sách trong học sinh, thời gian qua, trường đã đầu tư nâng cấp thư viện xanh, các khuôn viên ngoài lớp học để học sinh có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi. Việc làm mới nguồn sách cũng được chú trọng qua hoạt động kêu gọi nguồn xã hội hóa, quyên góp ủng hộ của phụ huynh, các mạnh thường quân và ngân sách nhà trường. Hiện nay, toàn trường có khoảng 17.000 đầu sách, trong đó có khoảng 13.000 sách giải trí phù hợp với từng lứa tuổi, đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu đọc sách của các em”.

Van hoa doc anh 3

Không gian thư viện xanh ở Trường Tiểu học Sơn Giang.

Mục tiêu giúp học sinh hiểu rõ hơn vai trò của sách, đồng thời lan tỏa thông điệp mỗi trang sách là một chân trời mới, Trường Tiểu học Sơn Giang (Hương Sơn) cũng đã có nhiều hoạt động sôi nổi để duy trì và lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường. Bên cạnh các tiết đọc sách hằng tuần, tổ chức hoạt động ngoại khóa với sự đồng hành của bố mẹ và các con trong việc đọc sách, nhà trường còn tổ chức đọc sách theo chủ đề tháng. Theo đó, chủ đề đọc sách trong tháng 4 là "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên"; tháng 5 là "Chúng em kể chuyện về Bác Hồ"…

Cô Hà Thị Hương Giang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Giang thông tin: “Từ việc linh hoạt các hoạt động, chương trình đọc sách đã khơi dậy phong trào đọc, nói và làm theo sách trong học sinh. Ngoài ra, duy trì thói quen đọc sách cũng giúp các em làm giàu thêm ngôn ngữ, kiến thức hiểu biết để phục vụ tốt hơn cho việc học tập”.

Với các nhà trường, ngày hội đọc sách hàng năm không chỉ là dịp để “làm giàu” thêm nguồn sách thư viện, mà điều quan trọng hơn cả là để khơi dậy và nuôi dưỡng niềm đam mê sách đối với học sinh, để phong trào đọc sách vẫn được duy trì đều đặn mỗi ngày đến lớp. Những ngày này, các trường học trên địa bàn Hà Tĩnh đang xây dựng kế hoạch để hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam từ (15/4/2024 đến ngày 1/5/2024). Các chủ đề: “Sách hay cần bạn đọc"; "Sách quý tặng bạn"; "Tặng sách hay - Mua sách thật"; "Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe"… đã và đang bắt đầu lan tỏa và hứa hẹn những chương trình hấp dẫn trong chuỗi các hoạt động.

Bài liên quan

https://baohatinh.vn/phat-trien-van-hoa-doc-trong-cac-truong-hoc-o-ha-tinh-post264618.html

Anh Thư - Phong Linh/Báo Hà Tĩnh

Bạn có thể quan tâm