Vừa qua, diễn đàn "Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững" với chủ đề phát triển và khai thác có hiệu quả năng lượng tái tạo đã được tổ chức tại Hà Nội.
Diễn đàn có sự góp mặt của ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Phạm Nguyên Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương; bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương; ông Đặng Hải Anh - Trưởng phòng Dầu khí, Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương.
Ngoài ra, diễn đàn cũng chào đón các chuyên gia là bà Vũ Chi Mai - Trưởng hợp phần dự án 4E - EVEF, chương trình Năng lượng GIZ; bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID); PGS.TS Phạm Hoàng Lương - Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản; ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó trưởng ban Điện và Năng lượng tái tạo, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam... cùng các vị đại biểu đại diện cho các Sở Công Thương cả nước. Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP cùng các đơn vị khác.
Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương - phát biểu tại diễn đàn. |
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã có những phiên thảo luận để đưa ra giải pháp phát triển đồng bộ, hợp lý, đa dạng hóa các loại hình năng lượng. Đồng thời, diễn đàn cũng đưa ra các giải pháp hữu ích về sử dụng năng lượng tái tạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năng lượng Việt Nam.
Tại sự kiện, ông Phạm Nguyên Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - chỉ ra những hệ lụy khi điện mặt trời/điện gió hầu hết phát triển ở khu vực miền Nam và miền Trung, ảnh hưởng an toàn vận hành, an ninh hệ thống điện, tăng truyền tải 500 kV.
Giai đoạn 2019-2020, năng lượng tái tạo (NLTT) phát triển rất nhanh, nhất là điện mặt trời. Trong tổng số 69.340 MW công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc tính đến ngày 31/12/2020, có 16.420 MW điện mặt trời, 514 MW điện gió, 382 MW điện sinh khối, 9 MW điện rác. Tổng công suất lắp đặt điện NLTT chiếm hơn 25% tổng công suất toàn hệ thống.
Ở giai đoạn trên, thực tế sản lượng điện phát từ nguồn NLTT tương ứng 5 tỷ kWh và gần 11 tỷ kWh phần nào giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao. Nếu so sánh số liệu nguồn điện dầu thực tế được huy động với dự báo của EVN, điện chạy dầu giảm 2,17 tỷ kWh năm 2019 và giảm 4,2 tỷ kWh năm 2020, tiết kiệm khoảng 10.850-21.000 tỷ đồng.
Các nguồn NLTT cung cấp nguồn điện cho miền Bắc khi thiếu nguồn, phụ tải tăng cao, đặc biệt vào tháng 5, 6. Điều này góp phần đảm bảo cung ứng điện cho giai đoạn 2021-2025, giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm khác như SOx, NOx, bụi, nhiệt.
Việc phát triển NLTT tác động đến công suất và số lần tăng/giảm công suất của các nhà máy nhiệt điện, tua bin khí, làm tăng chi phí ngành điện, nhất là trong điều kiện một số loại hình năng lượng tái tạo có giá thành đắt hơn so với bình quân ngành điện.
Bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương - chia sẻ tại diễn đàn. |
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đề xuất khống chế tỷ lệ điện mặt trời ở mức khoảng 20% công suất hệ thống, kết hợp phát triển các nguồn linh hoạt như thuỷ điện tích năng, nguồn động cơ đốt trong, pin lưu trữ. Đồng thời, chúng ta nên ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà với quy định tỷ lệ điện tự sử dụng tại chỗ (80% tự sử dụng - 20% sản lượng thừa cho phép bán ra, hoặc một tỷ lệ hợp lý khác). Nguồn điện này đấu nối vào lưới điện từ 35 kV trở xuống, không yêu cầu cải tạo nâng khả năng tải của lưới điện.
Ngoài ra, Việt Nam cần kiểm soát để tỷ lệ điện gió trên bờ và điện mặt trời ở mức hợp lý, dựa trên khả năng hấp thụ và điều khiển của hệ thống điện quốc gia ở từng thời điểm cũng như phù hợp điều kiện kỹ thuật - vận hành. Nhờ đó, an toàn của hệ thống điện quốc gia và từng vùng không bị ảnh hưởng.
Bình luận