Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát triển công nghiệp ô tô: 'Đả nhau như chưởng Kim Dung'

Chính sách công nghiệp ô tô của Việt Nam đang "đánh nhau loạn xạ" là ý kiến của ông Ngô Văn Trụ, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công thương.

Phát triển công nghiệp ô tô: 'Đả nhau như chưởng Kim Dung'

Chính sách công nghiệp ô tô của Việt Nam đang "đánh nhau loạn xạ" là ý kiến của ông Ngô Văn Trụ, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công thương.

>> Kinh doanh ôtô cũ quay cuồng vì dân đua nhau bán xe
>> 'Nhiều tiền mua ô tô, đừng kêu chuyện thu phí...'
>> Chịu đủ thứ thuế, chi phí cho xe ô tô tăng phi mã

Theo ông Trụ, trong chuyện Kim Dung có nhân vật Châu Bá Thông nổi tiếng với môn "song thủ hỗ bác" tay phải vẽ hình tròn, tay trái vẽ hình vuông, hai tay cứ đánh nhau loạn xạ chẳng tay nào thắng. Công nghiệp ô tô Việt Nam cũng vậy. Bộ Công thương xây dựng quy hoạch phát triển trong khi Bộ Giao thông vận tải lại xây dựng kế hoạch hạn chế ô tô. Mà không chỉ có Bộ Giao thông, Bộ Tài chính từ lâu đã đưa ra chính sách hạn chế tiêu dùng ô tô bằng việc xây dựng những mức thuế, phí cao…

Đến năm 2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực AFTA sẽ giảm xuống chỉ còn 0%.

Ông Trụ dẫn chứng, nhiều cuộc họp bàn xây dựng chính sách về công nghiệp ô tô các bộ cứ mỗi buổi cử 1 người khác nhau. Thế là ông dự buổi sau không biết ông dự buổi trước nói những gì, chưa nói nhiều người đọc dự thảo qua loa, đến cứ phát biểu cảm tính.

Mới đây, khi Bộ Công thương chủ trì xây dựng Nghị định về Phát triển công nghiệp hỗ trợ và đưa vào đó những ưu đãi rất cụ thể bằng con số với mục đích thu hút các DN đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ, thì nhiều bộ, ngành lại phản đối cho như vậy là quá cụ thể, không đúng pháp luật.

Sau khi gạt bỏ những cái cụ thể thành ra Quyết định 12 (Quyết định 12/2011/QĐ- TTg ngày 24/2/2011 của Chính phủ ban hành về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ) thì nhiều ý kiến lại cho là quá chung chung. Để phát triển công nghiệp ô tô cần phải có dòng xe chiến lược nhưng đề án về dòng xe chiến lược, Bộ Công thương xây dựng, các bộ không phản đối cũng không đồng ý, cứ lửng lơ, Chính phủ cũng chưa có ý kiến chính thức làm thế nào! Theo ông Trụ, nếu chỉ có DN tâm huyết với công nghiệp ô tô mà Chính phủ không tâm huyết thì không thể làm được, chỉ có Bộ Công thương tâm huyết mà các bộ khác không tâm huyết cũng không thể làm được.

Việt Nam là quốc gia có dân số đông, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống được nâng cao, nhu cầu người dân về ô tô lớn, nhưng thị trường đang bị bóp chết bởi chính sách thuế, phí. Tính ra ô tô phải chịu tới 9 loại thuế, phí khác nhau. Không những thế, thuế còn chồng thuế, phí chồng lên phí. Từ đó, dẫn đến quy mô thị trường bị thu hẹp, sản lượng thấp và ngành công nghiệp ô tô không thể phát triển.

Năm 2018 sắp đến. Khi đó, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực AFTA giảm xuống chỉ còn 0%. Nhiều DN, kể cả 100% vốn trong nước hay FDI, đều sốt ruột, muốn Chính phủ có chính sách để họ còn biết có đầu tư nữa hay không. Nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể có làm công nghiệp ô tô nữa hay thôi.

Doanh nghiệp mất nhiệt tình, tính rút khỏi Việt Nam

Theo bà Trương Chí Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển DN công nghiệp hỗ trợ, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp - Bộ Công thương thì nhiều DN nhiệt huyết đang cạn dần theo lộ trình thuế nhập khẩu ô tô về 0% vào 2018. Bà Bình cho biết, nếu Chính phủ không quyết định các chính sách về công nghiệp ô tô ngay trong năm nay, thì đến 2018 sẽ không còn gì để làm, các DN FDI lớn sẽ rút khỏi VIệt Nam là điều chắc chắn. Điều này thì không cần đợi đến 2018 mà ngay 2014, khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong khu vực AFTA về 50%.

Theo bà Bình, công nghiệp ô tô chính là niềm hy vọng lớn lao nhất của công nghiệp hỗ trợ. Thực tế cho thấy sự phát triển công nghiệp ô tô sẽ lôi kéo và thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác. "Tôi khẳng định DN Việt Nam hoàn toàn có thể làm được công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, Chính phủ phải có ưu đãi và bên cạnh đó là gây sức ép buộc DN phải làm", bà Bình nói.

Nói về Quyết định 12, bà Bình cho biết: "Chúng tôi rất sợ trình những chính sách như thế, phải tới 10 lần trình và mỗi lần lại bớt một chút, Chính phủ mới ban hành". Tuy nhiên, kể từ khi Quyết định 12 ra đời (ngày 24/2/2011), đến nay chưa có DN nào và dự án nào xin được ưu đãi. Duy nhất có 1 dự án đang xin nhưng thấy thủ tục quá phức tạp nên DN đó lại tiếp tục đầu tư mà không chờ đợi được.

Tự làm khó mình

Theo ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội Kỹ sư ô tô Việt Nam, nút thắt với ngành công nghiệp ô tô chính là chính sách của Nhà nước. Thái Lan có những thời kỳ ra đường đi bộ còn nhanh hơn đi ô tô, tắc đường khắp nơi. Tuy vậy, người ta cũng không áp dụng chính sách hạn chế ô tô, mà vay tiền làm đường trên cao. Khi làm đường trên cao rồi, đi trên cao không tắc nhưng tắc ở những lối xuống do hạ tầng bên dưới không đáp ứng được. Họ lại tiếp tục làm đường bên dưới, kể cả tàu điện ngầm, đường ngầm. Và đến giờ thì hạ tầng đã tốt, bên cạnh đó, công nghiệp ô tô cũng phát triển.

Cựu quan chức của Bộ Công thương cho rằng, đến nay, cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào ô tô, nên khuyến khích người dân sử dụng ô tô bởi một quốc gia phát triển không thể đi bộ được; bởi một nước công nghiệp hóa không thể không cơ giới. Mà trên thế giới, đến nay chưa có phương tiện nào tốt hơn ô tô cả.

Theo ông Trụ, trong 6 tháng đầu năm 2012, sản lượng ô tô Việt Nam sụt giảm tới 46% so với năm 2011. Đây hoàn toàn không phải do kinh tế khó khăn mà chính là lệ phí trước bạ được nâng lên 15% tại thành phố Hồ Chí Minh và 20% tại Hà Nội, phí cấp biển tăng lên 20 triệu đồng cùng với thông tin từ Bộ Giao thông vận tải về việc đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, trong đó nêu lên mức phí dành cho mỗi xe từ 20-50 triệu đồng/năm và tăng 5% năm sau so với năm trước.

Ông Phạm Đình Thi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính cũng thừa nhận việc tăng lệ phí trước bạ, phí cấp biển số tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ 1/1/2012 cùng các thông tin từ Bộ Giao thông vận tải đã có tác động lớn đến sản xuất ô tô trong 6 tháng qua.

Bà Bình cho biết: "Chỉ sau khoảng 2 tuần khi thông tin Bộ Giao thông vận tải đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, chúng tôi vào công tác tại Công ty ô tô Trường Hải (Quảng Nam) thì toàn bộ dây chuyền sản xuất xe Kia đã phải ngừng hoạt động. Chỉ một thông tin như vậy thôi cũng đã tác động rất mạnh tới sản xuất và công nghiệp ô tô".

Ông Hào thì khẳng định rằng, với sản lượng sụt giảm như hiện tại thì không DN nào có thể làm ô tô được. Chính phủ thấy cần phát triển công nghiệp ô tô thì phải có chỉ đạo, nếu không hãy chuẩn bị tinh thần cho cả nước xài xe nhập khẩu, các DN FDI trở thành nhà nhập khẩu và phối xe, dây chuyền đóng cửa, hàng trăm nghìn lao động đi kiếm việc làm khác...

Theo bà Bình, Chính phủ cần có câu trả lời rõ ràng có làm công nghiệp ô tô hay không để công nghiệp phụ trợ còn đi tìm niềm hy vọng từ các lĩnh vực khác.

Theo Vietnamnet

 

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm