Thêm hành vi bị xử lý
Theo Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, tuần đầu triển khai xử phạt theo Nghị định 171 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”, nhìn chung người điều khiển phương tiện đều chấp hành nghiêm chỉnh.
Trong tuần này, CSGT cả nước đã phát hiện trên 58.000 trường hợp vi phạm, tạm giữ 145 ô tô, 7.203 xe máy, phạt tiền trên 32 tỷ đồng. Cũng theo đại diện Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, những phương tiện bị tạm giữ đều giảm thời gian từ 10 ngày xuống 7 ngày theo Nghị định 171.
CSGT tỉnh Yên Bái kiểm tra giấy tờ của lái xe vi phạm. |
Trung tá Nguyễn Văn Quỹ, Tổ trưởng Tổ xử lý Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), cho biết thực hiện Nghị định số 171/2013/NĐ-CP nhiều mức phạt đã được giảm nhẹ. Bên cạnh đó, theo Trung tá Nguyễn Văn Quỹ, một số hành vi vi phạm cũng được bổ sung như người điều khiển có liên quan trực tiếp đến vụ TNGT mà không dừng lại cấp cứu người bị nạn, để người ngồi sau vòng tay ra trước điều khiển xe, xe lắp đèn trắng chiếu ngược phía sau...
Chiều 6/1, trên đường Yên Phụ, Hà Nội, một lái xe vi phạm đỗ xe sai quy định bị CSGT thổi phạt, lập biên bản, ban đầu tỏ thái độ rất căng thẳng nhưng khi được giải thích vi phạm trên chỉ bị phạt 700.000 đồng thay vì 1,2 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX 30 ngày như trước đã “vui vẻ” ký biên bản vi phạm.
CSGT Phú Xuyên, Hà Nội xử phạt người vi phạm an toàn giao thông. |
Giảm tiền phạt, khả thi hơn
Thiếu tá Nguyễn Văn Thương, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng, nhận định các mức phạt đã được điều chỉnh tại Nghị định 171 đã phù hợp hơn với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, bảo đảm tính răn đe và khả thi khi thực hiện.
"Nghị định 171 có quy định xử phạt doanh nghiệp bốc xếp hàng hóa quá tải mà cụ thể là đầu bến Hải Phòng, chúng tôi không thể ra quyết định xử phạt doanh nghiệp bốc xếp được. Việc không kiểm soát ngay từ đầu, cứ để bốc hàng quá tải lên xe vô tội vạ, vừa mất an toàn giao thông vừa phá hoại đường sá”, Trung tá Phạm Văn Lưu, Trạm trưởng Trạm CSGT Ba Hàng, Công an tỉnh Hải Dương, cho biết.
Theo Thiếu tá Thương, Nghị định 171 cũng không quy định về mức phạt thí điểm (cao gấp đôi) đối với một số hành vi vi phạm giao thông trong nội thành, các thành phố trực thuộc trung ương.
Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng, cho biết qua tuần đầu triển khai thực hiện Nghị định mới, lực lượng thực thi nhiệm vụ không gặp phải vướng mắc, khó khăn gì lớn. Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng đã lập biên bản 872 trường hợp vi phạm, xử phạt 686 trường hợp, chuyển kho bạc Nhà nước 377.190.000 đồng. Tước giấy phép lái xe 91 trường hợp, tạm giữ 8 xe mô tô.
Tại Cửa ô Hòa Phước, Trung tá Nguyễn Rạng, - Trưởng trạm CSGT tại đây chia sẻ: Nghị định trước đây quy định thẩm quyền xử phạt đối với chỉ huy cấp đội tối đa là 500.000 đồng, vì vậy với những lỗi bị phạt cao hơn thì lái xe phải đến Phòng CSGT để được giải quyết. Nay, quy định mới đã nâng mức xử phạt của cấp đội lên 1,2 triệu đồng, tạo điều kiện cho người bị xử phạt không mất nhiều thời gian đi lại để thực hiện thủ tục.
Khuyến khích sang tên đổi chủ
Thiếu tá Nguyễn Văn Thương, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, cho biết Nghị định 171 nêu rõ, lộ trình xử phạt đối với chủ xe mô tô sẽ lùi thời điểm áp dụng tới ngày 1/1/2017 và xe ô tô là ngày 1/1/2015. Với các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng CSGT, Nghị định 171 cũng quy định giới hạn việc kiểm tra xử phạt.
Cụ thể, chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên và qua công tác đăng ký xe, chứ không được dừng xe kiểm tra khi người điều khiển phương tiện đang lưu thông. Về xử lý vi phạm, Nghị định 171, giảm mức phạt xuống còn 100.000 - 200.000 đồng đối với xe máy và 1 - 2 triệu đồng đối với ô tô, thấp hơn nhiều so với trước đó là 800.000 - 1 triệu đồng với xe máy và từ 6 - 10 triệu đồng với ô tô. Mặc dù thời gian xử lý lỗi này lùi lại, nhưng các lực lượng chức năng vẫn nhắc nhở, khuyến khích người dân nên chủ động làm thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện.