Vừa qua, cơ quan quản lý thị trường phát hiện kho sách lậu với lượng lớn ấn phẩm nghi làm giả sách giáo dục. Trong nhiều năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB Giáo dục) phải đối mặt vấn nạn này.
Ông Lê Thành Anh - Phó tổng giám đốc, Trưởng ban thường trực triển khai chống in lậu NXB Giáo dục - nói về cuộc chiến gian nan chống sách lậu.
Ảnh chụp tại một kho sách lậu ở Hà Nội năm 2010. Ảnh: NXB Giáo dục. |
Học sinh sử dụng sách lậu dễ tiếp nhận sai lệch kiến thức
- Ông đánh giá thế nào về tình trạng sách giả, sách lậu hiện nay? NXB Giáo dục bị thiệt hại ra sao trước vấn nạn này?
- Trên thực tế, in lậu là vấn đề nhức nhối, tồn tại trong thời gian dài nhưng vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Tình trạng in và phát hành sách lậu vẫn diễn ra phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng ở cả về phạm vi và quy mô.
Xuất bản phẩm của NXB Giáo dục bị in và tiêu thụ lậu đứng đầu về số lượng, địa bàn, cũng như mức độ công khai.
Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, chúng tôi phát hiện gần 600.000 bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và trên 10 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu tại nhiều tỉnh, thành trong nước.
Thiệt hại lớn nhất từ vấn nạn sách lậu thuộc về độc giả, học sinh và giáo viên. Khi mua phải sách in lậu, sách giả, học sinh phải học bằng các cuốn sách sai lệch về kiến thức, có giấy và mực in kém chất lượng.
Đáng lo ngại là học sinh sử dụng sách in lậu với những sai sót về màu sắc, đường nét và nội dung, sẽ dẫn đến sai lệch về kiến thức.
Đối với NXB Giáo dục, thiệt hại kinh tế do nạn in lậu rất lớn. Sự xuất hiện và bày bán công khai sách in lậu, sách giả tại vỉa hè, lề đường và cả trong các nhà sách tại nhiều địa phương, đã làm tổn hại uy tín của NXB Giáo dục đối với bạn đọc, học sinh và giáo viên.
Đặc biệt, trong bối cảnh mở rộng hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, NXB Giáo dục đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ uy tín, đảm bảo bản quyền với các nhà xuất bản lớn trên thế giới như Macmillan, Pearson, Oxford…
- Cả chục tấn sách lậu đã bị phát hiện. Ông có thể nói thêm về những vụ in lậu lớn sách của NXB Giáo dục đã được phát hiện?
- Năm 2010, chúng tôi phát hiện gần 50.000 cuốn sách lậu trong kho và một khối lượng sách lậu khác đang in do Đỗ Đức Thọ cùng vợ và Đỗ Đức Thanh với danh nghĩa Công ty Cổ phần Phát hành Sách và Thiết bị Trường học Việt Nam (Hà Nội) thực hiện.
Năm 2013,10.000 bản sách lậu được phát hiện tại cơ sở đóng xén Trọng Nhân, quận Tân Phú, TP.HCM; 18.039 bản sách lậu tại Bắc Giang.
Năm 2015, chúng tôi phát hiện 51.202 bản sách lậu tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn Giáo dục Văn Hiến, phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội.
Năm 2016, 41.503 bản sách in lậu được thu giữ tại thôn An Trại, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Năm 2018, chúng tôi phát hiện 12.851 bản sách lậu tại Nhà sách Kiều Trâm, thành phố Tây Ninh.
Năm 2019, cơ quan chức năng thu giữ 47.000 bản sách lậu, 87.000 đĩa tiếng Anh lậu tại huyện Hoài Đức, Hà Nội; 72.602 bản sách lậu tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Năm 2020, hơn 27.000 bản sách giáo khoa (SGK) lậu được thu giữ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội; 2.278 kg bìa và ruột sách bán thành phẩm mang tên NXB Giáo dục, bị thu giữ tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Lập biên bản tại một kho sách lậu năm 2010. Ảnh: NXB Giáo dục. |
Cần nâng cao khung hình phạt với in, phát hành sách lậu
- Những biện pháp nào được NXB Giáo dục thực hiện để phòng, chống, hạn chế sách lậu?
- NXB Giáo dục đã áp dụng đồng thời các giải pháp: Duy trì, củng cố đảm bảo chuẩn mực cao và tính chính xác đối với chất lượng nội dung và hình thức, mẫu mã của xuất bản phẩm do NXB Giáo dục xuất bản.
Củng cố, tổ chức bài bản công tác phòng, chống, ngăn ngừa việc in, tàng trữ, tiêu thụ xuất bản phẩm giáo dục lậu. Phối hợp, thông tin với các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật, quản lý thị trường, chính quyền địa phương...
Những chế tài chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử phạt hành chính. Số tiền xử phạt vài chục triệu đồng quá nhỏ so với lợi nhuận lên tới hàng chục tỷ đồng từ hoạt động in và phát hành sách lậu.
Phó tổng giám đốc NXB Giáo Dục Lê Thành Anh
Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức rà soát, điều tra thực tế để phát hiện hành vi, dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan xuất bản phẩm giáo dục giả, lậu.
Giải pháp về công nghệ: Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ của công nghệ như tem chống giả đặc thù, tem code, thẻ cào dán trên xuất bản phẩm để có quyền truy cập vào tài nguyên, dữ liệu online, ứng dụng nhận diện sách thật sách giả...
Giải pháp về kinh tế: Giữ giá bán xuất bản phẩm giáo dục ở mức thấp hợp lý để hạn chế việc in lậu. Trước đây, SGK bị in lậu nhưng rất ít vì giá bán thấp. Với việc xã hội hoá SGK, nhiều bộ cùng được lưu hành, giá mới cao hơn giá hiện hành, nên nguy cơ bị in lậu khá lớn.
Tuy nhiên, đây là giải pháp riêng, khó phù hợp đa số xuất bản phẩm, vì việc in lậu chỉ phải bỏ chi phí in ấn, còn thiếu rất nhiều chi phí khác mà xuất bản phẩm thật phải đảm bảo.
- Hiện nay, một số NXB, công ty sách kêu cứu tới các nhà quản lý vì bị vi phạm bản quyền. Là nạn nhân của sách lậu, NXB Giáo dục có những hoạt động nào, nhằm góp phần đẩy lùi vấn nạn này?
- Trước hết, cần phải điều chỉnh, nâng cao khung hình phạt đối với in và đặc biệt là hành vi phát hành sách in lậu.
Nghị định 159 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản được ban hành từ năm 2013. Những chế tài chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử phạt hành chính. Số tiền xử phạt vài chục triệu đồng quá nhỏ so với lợi nhuận lên tới hàng chục tỷ đồng từ hoạt động in và phát hành sách lậu.
Bộ Luật Hình sự sửa đổi đã nâng khung hình phạt đối với hành vi in lậu. Tuy nhiên, chưa có quy định rõ khung hình phạt cho hành vi phát hành sách in lậu, nên phần lớn vụ việc được phát hiện chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính. Sau khi nộp phạt, các đối tượng tiếp tục phát hành sách lậu một cách "tinh vi" hơn, với mức độ cao hơn.
Về phía NXB Giáo dục, chúng tôi có phản ánh, kiến nghị, đề xuất tại các cuộc hội thảo, cuộc họp với cơ quan quản lý Nhà nước, xung quanh vấn đề này.
Trong khi chưa có những quy định kịp thời đủ sức răn đe, NXB Giáo dục nỗ lực tự mình kiểm tra, phát hiện và phối hợp các cơ quan chức năng, báo đài, để dư luận xã hội, bạn đọc nhận thức rõ tác hại và nói không với sách in lậu, bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Ngoài việc nỗ lực cung ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời SGK tới học sinh trên mọi vùng miền trong cả nước, NXB Giáo dục tích cực phối hợp sở GD&ĐT các địa phương để khuyến cáo giáo viên, phụ huynh và học sinh tìm mua sách tại các hệ thống phân phối chính thức của NXB Giáo dục, các công ty sách - thiết bị trường học địa phương, không mua sách từ nguồn trôi nổi trên thị trường.