Học sinh khắp thế giới được dạy về nhân vật hư cấu Cậu bé Hà Lan cứu đất nước của mình bằng cách bịt ngón tay vào chỗ rò rỉ trên đê. Cậu, trong cuốn tiểu thuyết Hans Brinker, or the Silver Skates (Hans Brinker hay Đôi giày trượt bằng bạc) của Mary Mapes Dodge, đã thức suốt đêm giá lạnh để người lớn có thể thực hiện những sửa chữa cần thiết vào buổi sáng.
Người Hà Lan đắp đê trong nhiều thế kỷ, cho đến khi hầu hết mọi người đều thấy rõ rằng họ không thể tiếp tục chỉ bịt các lỗ rò. Khi Hà Lan trở thành cường quốc quốc tế về hàng hóa, hàng tiêu dùng và dịch vụ vận chuyển, họ biết mình cần những ý tưởng vĩ đại hơn và các giải pháp dài hạn, hiệu quả hơn để kiểm soát mực nước.
Năm 1913, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và trị thủy của Hà Lan là kỹ sư xây dựng Cornelis Lely đã trình Nội các Hà Lan bản kế hoạch mang tính cách mạng nhằm đóng cửa vĩnh viễn Vịnh Zuiderzee và bảo vệ nó khỏi lũ lụt bằng cấu trúc hỗn hợp khổng lồ được gọi là đập đê (dike dam).
Chi phí xây dựng tương đương với toàn bộ ngân sách hàng năm của đất nước. Nhưng để giúp dự án tự trang trải một phần, thiết kế của Lely đề xuất bơm khô vùng đất bên trong khu vực đập, được gọi là vùng đất lấn biển bằng đập, để khai thác đất sét và sau đó sử dụng cho quảng canh.
Trong nhiều năm, các nhà lập pháp không quan tâm. Nhưng có hai sự kiện lớn rốt cuộc đã thay đổi suy nghĩ của họ. Thế chiến I khiến hàng triệu người Hà Lan và châu Âu thiếu lương thực và cần rất nhiều đất nông nghiệp để sản xuất thêm. (Việc xây dựng đập đê về sau biến Hà Lan thành nước xuất khẩu lương thực lớn thứ hai thế giới).
Nhưng quan trọng hơn là trận lụt kinh hoàng ập xuống Hà Lan năm 1916 làm vỡ nhiều con đê và phá hủy vô số nhà cửa. Một số hạt của Hà Lan bị phá sản khi cố gắng khắc phục thiệt hại, và các quan chức chính phủ một lần nữa được nhắc nhở về mức độ dễ bị tổn thương của đất nước này trước lũ lụt.
Hai năm sau, quốc hội Hà Lan thông qua Đạo luật Zuiderzee nhằm bảo vệ Hà Lan khỏi những tác động tai hại tiềm tàng của biển Bắc, tăng nguồn cung lương thực thông qua khai thác đất nông nghiệp mới và biến Zuiderzee thành hồ nước ngọt để giúp trị thủy. Với việc đóng cửa toàn bộ vịnh, Công trình Zuiderzee trở thành một trong những dự án cải tạo đất và thoát nước lớn nhất trong lịch sử, với hệ thống đập chính và đê bao Afsluitdijk là công trình đê biển lớn nhất từng được xây dựng cho đến năm 2006.
Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Mỹ tuyên bố rằng dự án này là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại. “Đó là kỳ tích phi thường của kỹ thuật Hà Lan”, Bas Jonkman, giáo sư kỹ thuật thủy lực tại Đại học Công nghệ Delft cho biết. “Cũng như các công trình vĩ đại khác trên Trái Đất, như Kim tự tháp Giza, [nó] có thể được nhìn thấy từ không gian”.
Được xây dựng từ năm 1927 đến năm 1932, đê biển Afsluitdijk có quy mô lớn và đầy tham vọng đến nỗi ta khó có thể tưởng tượng được làm thế nào con người có thể xây dựng nó. Bắt đầu từ bốn địa điểm, hàng chục nghìn công nhân khởi động công trình bằng cách tạo ra hai hòn đảo khổng lồ giữa biển, dùng tàu đổ xuống nước 23 triệu mét khối cát và 13 triệu mét khối trầm tích mỗi ngày. Những viên đá nặng sau đó được thả xuống phía đất liền và đất sét lẫn cuội được thả ở phía đại dương.
Những tấm nệm cành cây được gia cố bằng đá tảng và bê tông cũ giữ các vật liệu trên cố định tại chỗ. Vừa là đê vừa là đập, với nước vây cả hai bên, Afsluitdijk được nâng cao hơn mực nước biển 7,6 m bằng cát và đất sét và trồng cỏ bên trên. Một con đường rộng 91 m, dài 32 km sau đó được xây dựng trên đỉnh, nối Tây Bắc và Đông Bắc Hà Lan. Con đập cũng biến biển phía nam thành hồ nước tên là Ijsselmeer để chứa nước sông đổ về. Cửa cống được xây dựng để hướng nước chảy từ hồ ra đại dương, từ đó biến nước mặn thành nước ngọt.
Bước tiếp theo trong kế hoạch của Lely là tạo ra các vùng đất lấn biển (polder). Bắt nguồn từ tiếng Hà Lan cổ nghĩa là “vùng đất khô”, thuật ngữ này được 36 ngôn ngữ trên thế giới sử dụng. Poldering là một kỳ công về kỹ thuật, trong đó nước được rút cạn khỏi một vùng nước lớn, để lộ ra mặt đất màu mỡ bên dưới.
Những vùng đất lấn biển đầu tiên được tạo ra ở Hà Lan vào thế kỷ thứ 11 – và đến năm 1961, với hơn 4.000 vùng đất lấn biển, 1/2 tổng diện tích đất liền của đất nước này được hình thành từ đất cải tạo từ biển. Họ thậm chí còn có ngạn ngữ miêu tả nó: “Chúa tạo ra thế giới, nhưng người Hà Lan tạo ra đất nước Hà Lan”.
Theo chỉ dẫn của Cornelis Lely, sau khi các phần của hồ Ijsselmeer bị chặn lại, các kỹ sư xây dựng 16 km đê xung quanh nơi từng là biển phía nam và bơm nước ra ngoài bằng cối xay gió. Những vùng đất tốt nhất được dùng để trồng các loại ngũ cốc khác nhau như lúa mạch đen, lúa mì, lúa mạch và yến mạch, trong khi những vùng kém màu mỡ hơn được trồng rừng.
Đê biển Afsluitdijk cuối cùng cũng được thử thách lần đầu năm 1953, khi một trong những cơn bão nghiêm trọng nhất trong lịch sử đổ bộ vào nước này. Ở phía nam, nơi các con đê không hiện đại bằng, hơn 137.000 ha bị ngập lụt, 47.000 tòa nhà bị hư hại hoặc phá hủy, 30.000 gia súc bị chết và gần 2.000 người thiệt mạng. Khu vực do Afsluitdijk bảo vệ ở phía bắc thì không có thiệt hại gì. Trong đêm đó, mạng sống và số tiền giữ được đã xứng đáng với khoản đầu tư khổng lồ. Khu vực này không còn dễ bị lũ lụt tàn phá. Lely qua đời năm 1929, không có cơ hội chứng kiến kế hoạch của mình thành công.
“Nước là con dao hai lưỡi”, nhà sử học kiến trúc Marinke Steenhuis, thành viên của nhóm đảm bảo chất lượng đê biển Afsluitdijk cho biết. “Một mặt, nó là thiên nga đen có khả năng tàn phá, càn quét con người và phá hủy các thành phố. Mặt khác, nó là nền tảng cho sự tồn tại và thịnh vượng của mọi sinh vật trên Trái Đất”.
Trong 30 năm tiếp theo, người Hà Lan tiếp tục đầu tư lượng lớn thời gian, công sức và tiền bạc vào củng cố hệ thống phòng thủ của họ. Nhiều hệ thống cảnh báo bão hơn, nhiều đập, đê, âu thuyền, cửa cống hơn cũng như nhiều rào chắn chống nước dâng do bão hơn.
Tại cảng Rotterdam, rào chắn Oosterschelde và Maeslant có những cửa chặn khổng lồ với kích thước gần bằng Tháp Eiffel và ngốn tới 500 triệu đôla chi phí xây dựng. Trong trường hợp có bão lớn chúng có thể chặn đứng đường thủy vào thành phố. Nhưng rồi người Hà Lan cũng hiểu xây dựng các công trình lớn hơn, tốt hơn và cao hơn cũng chỉ giúp họ tiến xa đến thế mà thôi.