Loài voi Gomphothere đã tuyệt chủng ở miền Nam Chile từ hàng nghìn năm trước. Ảnh: AP. |
Các nhà khoa học phát hiện một số tàn tích hóa thạch voi Gomphothere 12.000 năm tuổi gần hồ băng Tagua Tagua, ở miền Nam Chile, CNN đưa tin ngày 28/9.
Sinh vật to lớn nặng tới 4 tấn và dài gần 3 m. Do đó, các nhà khoa học tin rằng chúng là mục tiêu của các cuộc săn bắt theo nhóm.
“Giả thuyết mà chúng tôi đang nghiên cứu là về các sự kiện săn bắt”, Carlos Tornero, nhà khảo cổ học tham gia cuộc nghiên cứu, cho biết. "Chúng tôi đưa ra giả thuyết này vì Gomphothere là một loài động vật rất lớn và nguy hiểm, do đó cần nhiều người (để săn lùng) động vật này".
Theo các nhà khoa học, voi Gomphotheres, họ hàng đã tuyệt chủng của voi hiện đại, từng lang thang ở miền Nam Chile hàng nghìn năm trước.
Voi Gomphothere thường sinh sống ở các đồng cỏ, rừng và đầm lầy. Ảnh: Shutterstock. |
Các nhà khảo cổ học cũng cho biết phát hiện mới cũng sẽ giúp họ nghiên cứu tác động rộng lớn hơn của con người đối với khu vực và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với động vật.
“Chúng tôi có thể thu thập được rất nhiều thông tin từ (điểm phát hiện này), chẳng hạn việc biến đổi khí hậu ảnh hưởng thế nào đến động vật”, Elisa Calas, một nhà khảo cổ học khác, cho biết. "Tác động của con người đối với môi trường trước đây tương tự những gì xảy ra hiện nay".
Voi Gomphothere có hình dáng tương tự voi hiện đại, xuất hiện sớm nhất vào cuối kỷ Oligocen (33,9 đến 23 triệu năm trước) và đã tuyệt chủng. Loài voi này thường sinh sống ở các đồng cỏ, rừng và đầm lầy, theo Britannica.