Khi sắp xếp dữ liệu thu được từ dự án APOGEE, thực hiện tại Trạm quan sát bầu trời bằng kỹ thuật số Sloan (SDSS), các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết của “thiên hà hóa thạch” nằm sâu bên trong dải Ngân Hà.
Thiên hà hóa thạch có thể đã va chạm với dải Ngân Hà cách đây 10 tỷ năm khi thiên hà của chúng ta vẫn còn sơ khai. Các nhà khoa học đặt tên nó là Heracles.
Những ngôi sao "ngoại lai" nằm sâu bên trong dải Ngân Hà. Ảnh: Slashgear. |
Tàn dư Heracles chiếm khoảng một phần ba quầng hình cầu của dải Ngân Hà. Các nghiên cứu từ trước đến nay không phát hiện ra dấu tích của một thiên hà cổ đại bên trong thiên hà chúng ta đang sống vì nó nằm rất sâu ở trung tâm.
Nhà thiên văn học Ricardo Schiavon từ Liverpool John Moores University cho biết để tìm thấy thiên hà hóa thạch, các nhà nghiên cứu phải xem xét cấu tạo hóa học chi tiết và chuyển động của hàng chục nghìn ngôi sao.
Việc quan sát nhiều ngôi sao ở trung tâm của dải Ngân Hà rất khó khăn vì chúng bị che khuất bởi những đám mây bụi khổng lồ giữa các vì sao. APOGEE là lựa chọn hoàn hảo cho loại điều tra này. Nó cho phép các nhà thiên văn học nhìn xuyên qua lớp bụi đó, sâu vào trung tâm thiên hà.
Để làm được việc này, APOGEE sử dụng ánh sáng hồng ngoại gần, không bị bụi che khuất như ánh sáng khả kiến.
Việc tìm kiếm những ngôi sao bất thường trong lòng dải Ngân Hà được ví như mò kim đáy bể. Để tách các ngôi sao thuộc Heracles khỏi những thiên thể trong Dải Ngân hà, nhóm nghiên cứu đã sử dụng cả thành phần hóa học và vận tốc của các ngôi sao được đo bằng APOGEE.
Các nhà nghiên cứu cho biết trong số hàng chục nghìn ngôi sao được điều tra, vài trăm ngôi sao có thành phần hóa học và vận tốc khác nhau. Sự khác biệt này lớn đến mức có thể suy luận chúng thuộc về một thiên hà bên ngoài.