Mẩu xương hàm của "một trong những người đầu tiên trên trái đất". Ảnh: Brian Villmoare |
Chalachew Seyoum, một sinh viên Ethiopia, phát hiện mẩu xương hàm ở vùng Ledi-Geraru thuộc Ethiopia, BBC đưa tin.
"Ngay khi thấy mẩu xương, tôi đã biết nó sẽ là một vật chứng quan trọng", Seyoum phát biểu.
Brian Villmoare, một nhà nghiên cứu của Đại học Nevada tại Mỹ, cùng một số nhà khoa học khác đã nghiên cứu mẩu xương. Ông nói rằng niên đại của mẩu xương lên tới 2,8 triệu năm.
Mẩu xương là phần bên trái của hàm dưới cùng 5 răng cối. Những răng ấy nhỏ hơn so với răng cối của Hominin - tổ tiên ban đầu của loài người. Giáo sư William Kimbel, giám đốc Viện Nguồn gốc Nhân loại, nói rằng răng cối là một trong những đặc điểm để phân biệt người hiện đại với những tổ tiên ban đầu của nhân loại.
"Hóa thạch cổ xưa nhất liên quan tới người hiện đại có niên đại 2,35 triệu năm. Giới khoa học phát hiện nó ở Hadar, Ethiopia. Hóa thạch mới ra đời trước nó khoảng 400.000 năm, nghĩa là rất gần thời kỳ mà tổ biên ban đầu của chúng ta đã sống", Kimbel nói.
Phát hiện mới cho thấy rất có thể nhiều chủng người đã cùng tồn tại ở châu Phi khoảng hai triệu năm trước và chỉ một chủng thoát khỏi thảm họa tuyệt chủng và phát triển thành người hiện đại Homo sapiens. Giới nghiên cứu nhận định rằng tự nhiên đã thử nghiệm hàng loạt phiên bản người trong quá trình tiến hóa để chọn lọc chủng phù hợp nhất.