Nhóm chuyên gia khảo cổ học Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng tỉnh Bình Thuận vừa công bố kết quả khai quật di tích động Bà Hòe.
Di tích động Bà Hòe ở xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Nhà khảo cổ Trương Đắc Chiến, người chủ trì cuộc khai quật cho biết, sau hai tháng khai quật, nhóm chuyên gia đã mở 5 hố khai quật trên động cát với tổng diện tích 324 mét vuông. Vùng khai quật đã phát lộ 43 mộ táng và các cụm đá, trong đó có 27 mộ đất và 16 nồi táng.
Khu vực khai quật nghiên cứu văn hóa tiền Sa Huỳnh trên động cát Bà Hòe. |
Các nồi táng kích thước khá lớn, có hoặc không nắp đậy cùng nhiều đồ tùy táng chôn theo là đồ đá và đồ gốm như rìu, cuốc, dọi se chỉ... cùng các loại đồ dùng sinh hoạt gồm nồi, bình, bát bồng và cốc, đồ trang sức hạt chuỗi thủy tinh màu da cam.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn thu được di vật của người xưa bằng gốm và đá. Đồ đá dùng làm công cụ ghè đẽo, bàn mài, hòn ghè, hòn kê, hạch đá, mảnh tước... Đồ gốm là mảnh vỡ của các loại đồ nấu, đồ dùng trong sinh hoạt.
Theo ông Chiến, kết quả bước đầu cho thấy di tích động Bà Hòe có tính chất khá đa dạng về cư trú - sản xuất - mộ địa, là địa bàn sinh sống của người sơ sử ở tỉnh Bình Thuận trước khi nền văn hóa Sa Huỳnh lan tỏa đến cuối dải đất Nam Trung Bộ. Đây chính là phát hiện mới so với nhiều đợt khai quật trước đó, kể từ năm 1920.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho hay, kết quả nghiên cứu khai quật đợt này đã thể hiện rõ khung niên đại kéo dài hơn 3.000 năm mà trước đây các nhà nghiên cứu từng cho đó chỉ là văn hóa Sa Huỳnh thôi.
"Nay các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều bằng chứng sống động về văn hóa tiền Sa Huỳnh. Có nghĩa là, bên cạnh cư dân văn hóa Sa Huỳnh thì trước đó đã có những cộng đồng cư dân của nền văn hóa tiền Sa Huỳnh cư trú sớm hơn ở trên vùng đất này", ông Đoàn nhận định.