Vị trí trên thuộc khu rừng keo Đá Hang, cách khu dân cư Đồng Hội, xã Xuân Quang 1, huyện miền núi Đồng Xuân, Phú Yên gần 1,5 km và cách nương rẫy của người dân khoảng 1 km. Vụ việc đang được Chi cục Kiểm lâm Phú Yên báo cáo lên Cục Kiểm lâm Việt Nam để điều tra, xác định chính xác cá thể động vật lạ này thuộc loài nào.
Cây keo bị bò lạ làm gẫy còn dính lông. |
Trước đó, trưa 4/7, đoàn khảo sát Chi cục Kiểm lâm Phú Yên phát hiện, lấy các mẫu phẩm của con bò lạ tại khu rừng Đá Hang. Tại hiện trường, con bò để lại dấu vết chỗ nằm nghỉ có đường kính hơn 2 m, xung quanh có nhiều dấu chân rộng 16 - 17 cm cùng với các bãi phân tươi, nước tiểu mới. Đáng chú ý nhất là đoàn khảo sát còn phát hiện nhiều sợi lông dài dính trên thân cây keo bị gãy ngang thân cao hơn 1,1 m.
Dấu vết của con bò lạ để lại. |
Cũng theo ông Nguyễn Văn Dư, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, loài động vật thuộc họ trâu bò (Bovidae), bộ guốc chẵn hai móng (Artiodactyle) mà người dân khẳng định là bò tót thường xuyên xuất hiện ở suối Bà Tiền gần khu dân cư Đồng Hội phá nương rẫy là có cơ sở. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác phải đợi các nhà chuyên môn xác minh cụ thể.
Trước khi có kết luận chính thức về cá thể động vật này, nhiều ngày qua, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân đã bố trí lực lượng luân phiên phối hợp với chính quyền địa phương canh giữ 24/24 giờ ngăn chặn bò phá hoại hoa màu của người dân và các hành vi săn bắt trái phép.
Người dân phải dựng chòi cao để canh bò phá hoại nương rẫy. |
Theo ông Lê Quốc Hải, Trưởng thôn Đồng Hội, khu rẫy mà bò tót thường xuyên xuất hiện có diện tích hơn 10 ha; hiện nhiều ruộng bắp, sắn, mía bị bò cắn phá nham nhở.
“Ruộng bắp rộng 3.500 m2 của tôi bị bò ăn, phá hỏng gần 80% diện tích. Chúng tôi phải dựng chòi cao để quan sát an toàn, làm kẻng hô hào xua đuổi bò. Cách đây khoảng ba năm tại khu vực này từng xảy ra tình trạng tương tự”, ông Hải nói.