Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Phát hiện nguồn gốc của đợt Ebola mới

Nhóm chuyên gia bất ngờ khi phát hiện virus Ebola tồn tại trên cơ thể một bệnh nhân đã khỏi bệnh sau 5 năm. Đợt bùng phát mới đây có thể do virus truyền qua tinh dịch.

Kết luận trên được các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế Guinea Xích Đạo, đưa ra sau khi giải trình tự gene loạt mẫu virus lấy từ những bệnh nhân Ebola trong đợt bùng phát mới xuất hiện ở nước này thời gian gần đây.

Theo The New York Times, kết quả mà nhóm phát hiện khiến họ không khỏi “sốc” vì thời gian sống sót của virus trong cơ thể người khỏi bệnh. Nghiên cứu còn có sự tham gia của Viện Pasteur Senegal, Đại học Edinburgh, Trung tâm Y tế Đại học Nebraska, Công ty PraesensBio và được công bố trên hai tạp chí Science, Stat.

“Hiện tượng phi thường”

Theo nhóm tác giả, đợt bùng phát Ebola đang xảy ra ở Guinea Xích Đạo gần như chắc chắn xuất phát từ một bệnh nhân từng nhiễm virus và sống sót trong trận dịch lịch sử năm 2014-2016 tại Tây Phi. Virus Ebola đã tồn tại trong cơ thể người này ít nhất 5 năm và sau đó, lây truyền qua đường tinh dịch.

Phát hiện trên dựa trên giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm nhiễm Ebola tại Guinea Xích Đạo. Trước đó, thời gian lâu nhất mà một virus tồn tại trong cơ thể người sau khi họ khỏi bệnh là 500 ngày.

nguon goc cua dot Ebola moi xuat hien anh 1

Phát hiện mới do Bộ Y tế Guinea Xích Đạo phối hợp nhiều chuyên gia thực hiện đã cho thấy virus Ebola tồn tại trong cơ thể người khỏi bệnh ít nhất 5 năm. Ảnh: NAIDS.

Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt, Mỹ, người không tham gia cuộc nghiên cứu, nhận định: “Đây là điều rất đáng kinh ngạc, một hiện tượng phi thường”.

Đợt bùng phát Ebola của Guinea Xích Đạo trong thời gian gần đây được ghi nhận từ tháng 1. Virus đã lây nhiễm cho ít nhất 18 người và khiến 9 bệnh nhân tử vong.

Việc phát hiện người khỏi bệnh có thể vẫn là ổ truyền virus được đánh giá có ý nghĩa to lớn với công cuộc chống dịch Ebola. Trận dịch trước đó bùng phát ở Tây Phi đã lây nhiễm cho hơn 28.000 người, cướp đi mạng sống của 11.000 bệnh nhân.

Hàng nghìn người sống sót sau đại dịch vẫn phải chịu sự xa lánh của cộng đồng vì nỗi sợ hãi mà căn bệnh gây ra. Viễn cảnh virus tồn tại trong cơ thể người khỏi bệnh nhiều năm khiến điều này càng thêm trầm trọng.

Phát hiện mới làm dấy lên khả năng những đợt bùng phát khác dễ xảy ra trong khu vực do virus có thể đang lây lan từ người khỏi bệnh sang người lành mà không được phát hiện.

Tiến sĩ Schaffner đề xuất giải pháp tiêm vacccine cho phần lớn người dân ở châu Phi Xích Đạo. Một số vaccine ngừa Ebola hiện có sẵn và từng chứng minh được hiệu quả như của Merck hay Johnson & Johnson sản xuất. Tuy nhiên, chúng mới chỉ được sử dụng để đối phó các đợt bùng phát Ebola, chưa dùng cho dự phòng.

nguon goc cua dot Ebola moi xuat hien anh 2

Phát hiện mới dấy lên lo lắng về đặc điểm dịch tễ học của Ebola. Ảnh: The Sun.

Nguyên nhân?

Thông thường, bệnh nhân sẽ khỏi Ebola khi hệ thống miễn dịch hạ gục virus. Tuy nhiên, một số bộ phận như mắt, hệ thống thần kinh trung ương, tinh hoàn, nằm ngoài tầm với của hệ miễn dịch. Đây cũng chính là khe cửa hẹp, khiến virus có cơ hội ẩn náu trong đó. Nhưng không ai biết nó có thể trốn tránh và tồn tại trong cơ thể người tới 5 năm như phát hiện trên vừa ghi nhận.

Tiến sĩ Schaffner nhận định: “Chúng tôi không biết hiện tượng này có thể xảy ra với tần suất như thế nào. Một nghiên cứu khác đang được tiến hành. Thật không dễ dàng để hiểu rõ vì sao virus ẩn náu tại những nơi đặc biệt trên. Bởi đây là những bộ phận khó tiếp cận”.

Các nhà nghiên cứu cho biết trình tự di truyền của các mẫu virus Ebola từ bệnh nhân hiện tại được so sánh trình tự di truyền trong đợt bùng phát 2014-2016. Kết quả cho thấy chúng trùng khớp đến mức khó mà tin được cả hai không có mối liên hệ gì với nhau.

“Có rất ít thay đổi về bộ gene. Để những thay đổi đó xảy ra, virus phải nhân lên. Tôi nghĩ phần lớn virus đang ở trạng thái ngủ đông. Tất cả chúng tôi đều cho rằng đợt bùng phát gần đây là hậu quả của sự lây truyền từ tự nhiên như loài dơi. Nhưng nó có thể đến từ một ổ chứa, không ai khác chính là con người”, tiến sĩ Schaffer nói thêm.

nguon goc cua dot Ebola moi xuat hien anh 3

Dịch Ebola đang bùng phát tại Guinea Xích Đạo với 18 người nhiễm bệnh và 9 ca tử vong. Ảnh: Getty Images.

Nhà virus học Michael Wiley, Trung tâm Y tế Đại học Nebraska, miêu tả đợt bùng phát hiện tại là sự tiếp nối của trận dịch Ebola trong quá khứ. Ông đồng thời là CEO của Quỹ PraesensBio, nơi cung cấp các tài liệu cho nghiên cứu mẫu bệnh phẩm trong dự án mà Bộ Y tế Guinea Xích Đạo thực hiện.

Ông cho biết các bệnh nhiễm trùng dai dẳng và lây truyền qua đường tình dục đã được ghi nhận trong đợt bùng phát dịch ở Tây Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo. Theo ông, mỗi cột mốc mới về thời gian tồn tại lâu dài của virus này đều khiến giới nghiên cứu kinh ngạc. Đó thật sự là cú sốc. Đầu tiên là 180 ngày, sau đó là 500 ngày. Và kết quả vừa công bố - 5 năm - là lần đầu tiên họ ghi nhận.

Phát ngôn viên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, Thomas Skinner, cho biết cơ quan này đã xem xét dữ liệu trình tự gene từ các mẫu được lấy từ đợt bùng phát gần đây ở Guinea Xích Đạo. “Chúng tôi không thể chắc chắn 100% nhưng CDC đồng ý kết luận có thể đợt bùng phát hiện tại liên quan các trường hợp mắc Ebola ở Tây Phi vào năm 2014-2016”, ông Thomas nói.

Vị chuyên gia này cũng đánh giá điều này cho thấy các đợt bùng phát dịch có thể xuất phát từ bệnh nhiễm trùng dai dẳng, một người khỏi bệnh mà không cần đến virus mới xâm nhập từ ổ chứa động vật. Ông nhấn mạnh sự cấp thiết của việc nghiên cứu rõ hơn dịch tễ phức tạp và sinh thái học của Ebola.

Nhà virus học, tiến sĩ Ian Lipkin, Đại học Columbia, Mỹ, cho biết khi các bệnh nhân nam lấy mẫu tinh dịch và cho kết quả âm tính với virus Ebola, họ thường cho rằng mình không bị virus xâm nhập. Nhưng kết quả này không thể khẳng định 100%. Ông cho rằng chúng ta nên theo dõi thường xuyên bệnh nhân từng mắc Ebola, ngay cả khi họ đã khỏi bệnh hay cho kết quả âm tính với virus.

Khi nào thế giới có câu trả lời về nguồn gốc của SARS-CoV-2?

Tiến sĩ Peter Daszak cho rằng còn quá sớm để kết luận cách virus truyền sang người dân tại Vũ Hán và khẳng định câu trả lời về nguồn gốc nCoV sẽ có trong vài năm tới.

Thành phố tại Trung Quốc có tỷ lệ mắc Covid-19 thấp bí ẩn

Tại thành phố Enshi, tỷ lệ mắc Covid-19 chỉ là 6/100.000 cư dân, thấp đáng kinh ngạc so với nhiều nơi ở Trung Quốc.

Dịch Covid-19

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm