Trong đại dịch SARS vào đầu những năm 2000, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng virus lây nhiễm tế bào thông qua hai protein: một thụ thể có tên gọi là enzyme chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2), giúp virus liên kết với các tế bào, và một loại enzyme gọi là protease xuyên màng loại II (TMPRSS2), làm trung gian cho sự lây nhiễm của tế bào.
Mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 cũng khai thác hai loại protein tương tự để lây nhiễm. Điều này đem lại cho các nhà nghiên cứu manh mối quan trọng để xác định được những tế bào dễ bị tổn thương nhất chính là tế bào trong đường hô hấp và mô ruột.
Virus đi vào cơ thể thông qua đường mũi, miệng hoặc mắt, sau đó gắn kết vào những tế bào thông qua thụ thể ACE2 . Đồ hoạ: Nhân Lê. |
Tế bào nào dễ bị lây nhiễm nhất?
“Ngay khi chúng tôi nhận ra vai trò của các protein này, chúng tôi bắt đầu tìm xem các gen đó nằm ở đâu trong bộ dữ liệu hiện tại. Chúng ta có lợi thế khi biết rõ những tế bào mà virus sẽ tấn công”, nhà truyền nhiễm học Jose Ordovas-Montanes, làm việc tại bệnh viện nhi Boston viết trong báo cáo khoa học đăng tải trên tạp chí Cell.
Trong một nỗ lực lớn nhằm tìm ra cách ngăn chặn virus SARS-CoV-2, rất nhiều nhà khoa học và nghiên cứu đã cùng làm việc thông qua những bộ dữ liệu giải trình RNA, bằng cách tổng hợp thông tin di truyền trong hàng nghìn loại tế bào khác nhau trên cơ thể con người, các loài linh trưởng và chuột.
Nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm các mẫu gen của hàng trăm loại tế bào trong phổi, mũi và ruột, những khu vực trên cơ thể người dễ bị virus corona xâm nhập nhất.
Virus SARS-CoV-2 đi ra khỏi tế bào người. Ảnh: NIAID. |
“Vì chúng tôi có kho thông tin dữ liệu khổng lồ, chúng tôi có thể bắt đầu xem xét xem những tế bào nào dễ bị lây nhiễm”, nhà vật lý hóa học Alex Shalek của MIT cho biết.
“Mặc dù các bộ dữ liệu này không được thiết kế để nghiên cứu về virus SARS-CoV-2, nhưng chúng tôi hy vọng sẽ xác định được một số điều có thể có liên quan đến loại virus này”.
Cuối cùng, kết quả của những cuộc phân tích chỉ ra rằng có một số ít các tế bào đường hô hấp và đường ruột của con người có các gen biểu hiện cả ACE2 và TMPRSS2.
Có 3 loại tế bào chính đã được xác định: các tế bào phổi được gọi là pneumocytes loại II (giúp duy trì túi khí, được gọi là phế nang), tế bào ruột có tên gọi là enterocytes giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng và các tế bào trong mũi, thứ tiết ra chất nhầy.
Những hiểu biết hoàn toàn mới
Các nhà nghiên cứu cho biết việc xác định được các loại tế bào này có thể sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc tìm ra vaccine phòng chống virus corona trong tương lai. Điều này đem lại hi vọng mới trong cuộc chiến chống lại Covid-19.
Nhà nghiên cứu Ordovas-Montanes giải thích: “Việc này giúp chúng ta có được cái nhìn tổng quát hơn. Bây giờ chúng tôi có thể tự tin khẳng định những loại tế bào dễ bị tổn thương”.
Đến nay, vẫn còn nhiều điều chưa rõ về cơ chế lây lan của virus SARS-CoV-2. Ảnh: NIAID. |
Trong số các kết quả phân tích, nhóm nghiên cứu cũng tìm ra những vấn đề khác. Một họ trong chuỗi các protein miễn dịch gọi là interferon, thường giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng, lại là thứ là kích thích gen ACE2 tạo ra protein ACE2.
Thông thường, một tế bào nhiễm virus sẽ sản sinh ra interferon. Các protein này có nhiệm vụ "báo" cho các tế bào gần đó về một thứ mầm bệnh lạ mà cơ thể đang phải đối mặt, giúp ngăn chặn sự lây lan của virus sang các tế bào khác.
Tuy nhiên, với SARS-CoV-2, một số kết quả cho thấy sau khi nhiễm virus này thì interferon lại kích thích các tế bào sản sinh ra ACE2. Điều đó có nghĩa là một trong những cơ chế tự nhiên bảo vệ cơ thể của chúng ta trước các mầm bệnh lại là thứ có thể giúp virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể con người nhanh hơn.
Dù vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng vẫn cần thêm thời gian để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
“Đây không phải là ví dụ duy nhất”, ông Ordovas-Montanes giải thích. “Có những ví dụ về việc virus corona và các loại virus khác thực sự nhắm vào các gen được kích thích bởi interferon như một cách xâm nhập vào các tế bào. Theo một cách nào đó, đây là phản ứng đáng tin cậy nhất của các vật chủ”.