Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát hiện mới về thuốc chữa HIV

Nghiên cứu mới từ nhóm chuyên gia tại Australia phát hiện loại thuốc này có thể đẩy virus HIV ra khỏi vị trí ẩn náu, từ đó tìm cách tiêu diệt chúng.

Theo Guardian, phát hiện này được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine ngày 26/1, do Giáo sư Sharon Lewin, Giám đốc Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne, Australia và cộng sự thực hiện. Loại thuốc mà họ tìm ra vốn được dùng để chữa ung thư, giờ đây, nó có thêm tác dụng đầy hứa hẹn trong việc điều trị HIV.

Kéo HIV ra khỏi trạng thái "ngủ đông"

Khả năng “ẩn náu” của HIV trong tế bào là thách thức với giới nghiên cứu khi tìm kiếm cách điều trị căn bệnh này. Ngay cả ở những người đang được điều trị bằng thuốc kháng virus hay người có tải lượng virus trong máu cực thấp cũng không thể chắc chắn cơ thể đào thải sạch hoàn toàn HIV. Điều này gây ra rào cản rất lớn cho công cuộc tìm ra cách chữa trị căn bệnh này.

Các bệnh nhân HIV đang điều trị bằng thuốc kháng virus không còn khả năng lây truyền virus và có thể sống bình thường, khỏe mạnh. Song, HIV không bao giờ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi tế bào của họ.

Nguyên nhân của hiện tượng này là một ổ chứa HIV “ẩn mình” trong trạng thái ngủ đông ở các tế bào của hệ thống miễn dịch. Để tiêu diệt virus, các tế bào này cần sự trợ giúp của tế bào T. Song, đến bản thân tế bào T cũng không thể phát hiện nơi trú ngụ của HIV. Cho nên, việc tìm kiếm, tiêu diệt nó gần như là bất khả thi.

Ở các bệnh nhân ung thư, tế bào T bắt đầu rối loạn chức năng, tạo thành các protein ngủ đông, “cạn năng lượng” trên bề mặt, còn được gọi là PD1. Trước đây, GS Lewin từng nghiên cứu và phát hiện HIV cũng sử dụng các dấu hiệu “cạn kiệt” này để lẻn vào trạng thái ngủ đông và ẩn nấp mà không bị phát hiện.

Đây cũng chính là cơ sở để bà và các cộng sự phát triển thuốc chữa HIV từ Pembrolizumab. Giáo sư Sharon Lewin tuyên bố: "Pembrolizumab có thể làm xáo trộn ổ chứa HIV".

thuoc chua HIV anh 1

Nghiên cứu của Giáo sư Sharon Lewin đi tìm câu trả lời cho vấn đề liệu thuốc chống ung thư pembrolizumab có thể tăng cường hệ thống miễn dịch trong việc chống lại HIV hay không. Ảnh: James Ross/AAP.

Pembrolizumab (hay Keytruda) vốn là thuốc điều trị miễn dịch, được tiêm vào tĩnh mạch nhằm ngăn chặn các dấu hiệu suy kiệt của tế bào, cho phép tế bào T phục hồi chức năng và chống lại những tế bào ung thư. Thuốc chống PD1 đã tạo ra cuộc cách mạng trong việc điều trị một số bệnh ung thư, bao gồm cả khối u ác tính.

Cơ chế hoạt động của nó là giải phóng phanh phân tử (hoặc trạm kiểm soát) mà khối u sử dụng để né tránh hệ thống miễn dịch của cơ thể. Từ đây, các tế bào miễn dịch nhận ra và tấn công tế bào ung thư giống cách chúng chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus gây ra.

Tương tự trên bệnh nhân ung thư, Pembrolizumab có thể đảo ngược cơ chế ẩn náu của virus HIV, kéo chúng ta khỏi nơi trú ngụ. Thử nghiệm được thực hiện trên 32 người đang sống chung với HIV và ung thư. Mặc dù số lượng mẫu khá ít, đây vẫn là nghiên cứu có quy mô lớn nhất trong vấn đề này và đã cho ra kết quả rất thú vị. Pembrolizumab cho thấy đặc tính kháng PD1 trước virus HIV.

Đến nay, giới nghiên cứu mới chỉ có các báo cáo đơn lẻ cho thấy tác dụng của thuốc kháng PD1. Bởi những người nhiễm HIV cần điều trị ung thư là rất hiếm. Ngoài khả năng tìm kiếm virus HIV đang ẩn náu, thuốc kháng PD1 có thêm tác dụng là tăng cường phản ứng miễn dịch. Vì vậy, theo bà Lewin, đây là loại thuốc “hai trong một”.

Tuy nhiên, liệu thuốc này có tăng cường hệ miễn dịch đủ để tấn công và tiêu diệt virus HIV hay không vẫn là nhiệm vụ mà GS Lewin cùng cộng sự phải thực hiện ở giai đoạn sau của dự án.

thuoc chua HIV anh 2

Các tế bào miễn dịch nghỉ ngơi bị nhiễm HIV "ngủ đông", khi được kích hoạt lại, chúng sẽ sản xuất virion HIV (màu đỏ). Những virion HIV nảy chồi và giải phóng khỏi tế bào (màu xanh lam). Ảnh: NIAID/NIH.

Tác dụng phụ

Nhà virus học, PGS Stuart Turville, Viện Kirby, nhận định nhóm của GS Lewin về cơ bản đã chạm tới các hợp chất có thể đánh thức virus. Ông cũng đánh giá nghiên cứu là chìa khóa tiềm năng cho phương pháp điều trị HIV mới.

"Hệ miễn dịch của chúng ta nghỉ ngơi là điều bình thường. HIV đã lợi dụng điều này. Nó xâm nhập vào các tế bào nghỉ ngơi và nằm ở đó trong nhiều năm. Điều quan trọng nhất của nghiên cứu này với bệnh nhân HIV là đánh thức virus khi sử dụng chất ức chế PD1", vị chuyên gia nói thêm.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất trong thử nghiệm phương pháp điều trị cho bệnh nhân HIV là Pembrolizumab có thể dẫn đến các tác dụng phụ đáng kể.

Theo GS Lewin, từ 5 đến 10% người dùng gặp phải tác dụng phụ khi tiêm loại thuốc này. Với các bệnh nhân ung thư, đây không phải mối lo quá lớn bởi lợi ích nó mang lại vượt xa nguy cơ tiềm ẩn. Song, với HIV lại rất khác. Bệnh nhân vẫn có thể sống bình thường, khỏe mạnh chung với virus, vì vậy, bất kỳ sự can thiệp nào để chữa bệnh cũng phải có độc tính thấp nhất có thể.

Bệnh nhân được truyền Pembrolizumab ba tuần một lần trong tối đa 105 tuần, tùy thuộc vào cách họ phản ứng với thuốc. Trong thời gian đó, các nhà nghiên cứu thường xuyên thu thập máu và phân tích nó để tìm vật chất di truyền HIV.

Sau lần tiêm Pembrolizumab đầu tiên, nhóm nghiên cứu bắt đầu tìm thấy vật liệu di truyền HIV trong máu của bệnh nhân. Điều này cho thấy thuốc đang đẩy virus ra khỏi khu trú ẩn và khiến nó dễ bị tổn thương hơn khi đối mặt với thuốc kháng virus hay khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, GS Lewin nhận định kết quả này vẫn không đủ để đào thải sạch 100% virus HIV ra khỏi cơ thể bệnh nhân.

Người đứng đầu công trình này cũng lạc quan khi cho rằng liệu pháp kháng PD1 sẽ tạo ra sự can thiệp đa hướng. Bởi rất khó để chữa khỏi hoàn toàn HIV chỉ với một loại thuốc hoặc biện pháp nào đó.

Chìa khóa đằng sau những bệnh nhân tự khỏi HIV không cần điều trị

Một năm sau khi phát hiện trường hợp của Loreen Willenberg, giới nghiên cứu lại dấy lên những hy vọng mới trước "bệnh nhân Esperanza" - người thứ hai tự chữa khỏi HIV.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm