Trong quá trình thăm dò kim cương ở phía nam đảo Baffin - hòn đảo lớn nhất ở Canada, các nhà nghiên cứu Đại học British Columbia (UBC) đã khám phá một mảnh mới của vỏ trái đất, vốn là một phần của lục địa Bắc Đại Tây Dương (NAC).
Các nhà khoa học, theo CNN, tin rằng NAC được hình thành 2.7 tỷ năm trước, kéo dài từ khu vực Bắc Mỹ tới Scotland và bị phân tách vào khoảng 150 triệu năm trước.
Mẫu đá mà nhóm này nghiên cứu thu thập được có đặc điểm khoáng sản tương đồng với phần vỏ trái đất cấu thành tâm của lục địa.
Lục địa cổ Bắc Đại Tây dương (NAC) là phần của vỏ trái đất kéo dài từ đảo Baffin đến Scotland. Ảnh: Daily Mail. |
Maya Kopylova, nhà địa chất đứng đầu dự án nghiên cứu của UBC, tuyên bố: “Thành phần khoáng chất trong mảng lục địa NAC là độc nhất vô nhị nên không có sự nhầm lẫn nào hết".
NAC là một lục địa toàn vẹn trước khi nó bị chia cắt thành nhiều mảnh vỡ do các vùng biển và đại dương mới, giáo sư Kopylova bổ sung.
Một mẫu đá Kimberlite có chứa kim cương. Ảnh: Science Photo Library. |
Mẫu đá Kimberlite mà nhóm này phát hiện thường có chứa kim cương và được tìm thấy ở khu vực tỉnh Chidliak Kimberlite, phía Nam đảo Baffin (Canada).
Nhiều nghiên cứu trước đó ước tính kích thước và vị trí của lục địa cổ đại dựa trên mẫu đá lấy từ độ sâu 10km dưới mặt nước biển. Phát hiện mới của UBC được kết luận sau khi nghiên cứu mẫu đá ở độ sâu 200km.