Được công bố trong tạp chí sinh học Communications Biology (Anh), nghiên cứu này có mục đích trả lời câu hỏi tại sao Nhật Bản có tỷ lệ ca bệnh nặng và tử vong vì Covid-19 tương đối thấp, Nikkei Asia đưa tin ngày 11/12.
Nghiên cứu mới tập trung tìm hiểu các tế bào T “sát thủ” - loại tế bào có vai trò xác định và tiêu diệt tế bào đã bị virus xâm nhập. Tế bào T sát thủ tìm ra mục tiêu bằng cách dùng peptide, các mảnh protein của một con virus nào đó.
Nghiên cứu mới tập trung tìm hiểu các tế bào T “sát thủ”. Ảnh: Reuters. |
Tham gia vào quá trình trên là hệ thống kháng nguyên bạch cầu ở người. Đây là bộ gene quyết định tế bào trong khắp cơ thể người sẽ sử dụng phân tử nào để trình diện peptide cho các tế bào T "sát thủ".
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học tập trung vào một loại kháng nguyên bạch cầu ở người (HLA) có tên gọi HLA-A24, được phát hiện trong khoảng 60% người Nhật Bản bản địa. HLA là các loại protein trên bề mặt tế bào bạch cầu.
Khi một peptide có tên gọi QYI được thu thập từ protein gai của virus SARS-CoV-2 tiếp xúc với các mẫu máu có HLA-A24, tế bào T "sát thủ" trong mẫu vật đã có phản ứng nhân lên.
Nhóm nghiên cứu phát hiện tế bào T "sát thủ" trong các mẫu máu trên cũng có phản ứng tương tự khi tiếp xúc với peptide từ các họ virus corona khác, bao gồm virus corona lây theo mùa.
Nghiên cứu vì thế kết luận, ở người có HLA-A24, các tế bào T "sát thủ" từng gặp virus corona lây theo mùa cũng sẽ có phản ứng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2.
HLA-A24 xuất hiện phổ biến trong một số nhóm người châu Á nhưng hiếm gặp ở phương Tây, thông thường chỉ có ở khoảng 10-20% dân số châu Âu và châu Mỹ.
Dù vậy, kết quả trên vẫn chỉ ở mức độ tế bào. Chúng ta vẫn cần có thêm nghiên cứu để quan sát cách hệ miễn dịch của người có HLA-A24 phản ứng khi lây nhiễm SARS-CoV-2, theo Nikkei Asia.