Chris Robertson, giáo sư Dịch tễ học Y tế Công cộng, Đại học Strathclyde, cho biết biến chủng Delta tăng gần gấp đôi nguy cơ nhập viện so với các biến chủng khác, nhưng vaccine vẫn làm giảm hiệu quả nguy cơ đó.
"Nếu bạn có kết quả dương tính, thì 2 liều vaccine hoặc một liều trong 28 ngày sẽ giảm khoảng 70% nguy cơ nhập viện", ông nói.
Theo Reuters, kết luận trên được các nhà khoa học tại Đại học Strathclyde, Scotland rút ra từ nghiên cứu mới nhất, được đăng trên chuyên san The Lancet. Nghiên cứu được thực hiện trên 19.543 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng và 377 ca nhập viện trong 5,4 triệu người tại Scotland.
Có 7.723 ca bệnh và 134 ca nhập viện trong số này nhiễm biến chủng Delta.
Các nhà nghiên cứu cho biết vaccine có 2 liều bảo vệ tốt hơn trước biến chủng Delta so với vaccine chỉ có một liều. Ảnh: Reuters. |
Bằng chứng ban đầu từ nghiên cứu cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine chống lại biến chủng Delta, lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ, có thể thấp hơn hiệu quả chống lại biến chủng Alpha, lần đầu tiên được xác định ở nước Anh.
Cụ thể, hai tuần sau liều thứ 2, vaccine Pfizer-BioNTech có khả năng bảo vệ 79% chống lại sự lây nhiễm từ biến chủng Delta, so với 92% đối với biến chủng Alpha. Trong khi đó, vaccine Oxford-AstraZeneca có 60% khả năng bảo vệ chống lại Delta so với 73% đối với Alpha.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo không nên sử dụng dữ liệu này để so sánh các loại vaccine vì khác biệt về đối tượng tiêm của từng loại và về tốc độ hình thành miễn dịch.
Trước sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm biến chủng Delta, Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến kéo dài các hạn chế Covid-19 ở Anh.
Biến chủng Delta của Covid-19, lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ, hiện đã được phát hiện ở 74 quốc gia và tiếp tục lây lan nhanh chóng. Biến chủng này được cho là đặc biệt nguy hiểm khi nó có thể tránh né các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt. Nhiều chuyên gia lo ngại Delta sẽ trở thành chủng virus bao phủ toàn cầu.