Ông Lê Bá Hạnh, phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết, ngôi mộ cổ vừa được phát hiện nằm ở trên cánh đồng thuộc xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) do nhóm công nhân công ty CP gạch ngói Cầu Họ (đóng trên địa bàn xã này) phát hiện.
Cụ thể, lúc họ đang dùng máy múc để đào lấy đất, đến độ sâu 4 m thì bất ngờ chạm vào một ngôi mộ. Ngay lập tức sự việc được báo lên chính quyền địa phương. Toàn bộ hài cốt trong ngôi mộ được công ty làm thủ tục đưa về nghĩa trang xã mai táng còn phần quan tài được giữ lại.
Theo quan sát, chiếc quan tài được làm bằng thân cây màu đen, khoét rỗng hình thuyền, có chiều dài 2,2 m, chiều rộng 0,5 m. “Khi người của Bảo tàng đến thì ngôi mô đã bị đào lên nên không còn nguyên trạng”, ông Hạnh nói.
Chiếc quan tài đục hình thuyền được phát hiện ở ngôi mộ cổ. |
Theo nhận định ban đầu của các nhà nghiên cứu khảo cổ học Hà Tĩnh, đây có thể là một ngôi mộ cổ được táng theo tập tục của người Việt cổ. Cụ thể là chiếc quan tài dạng hình thuyền bằng thân cây khoét rỗng có niên đại muộn nhất từ thời Lê (thế kỷ XVI - XVII) trở về trước.
Trước đó, loại hình mộ cổ hình thuyền này đã được phát hiện ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Tĩnh. Ví dụ như vào năm 2008 và 2009 cũng đã phát hiện được ở xã Thiên Lộc (Can Lộc) và xã Cẩm Huy (Cẩm Xuyên).
Theo nhận định của các nhà khảo cổ học ở Hà Tĩnh, ngôi mộ có thể xuất hiện từ thời nhà Lê. |
Việc phát hiện ngôi mộ cổ này giúp các nhà nghiên cứu khảo cổ tìm hiểu sâu thêm về các hình thức mai táng của người Việt cổ. Góp phần minh chứng cho bề dày lịch sử của vùng đất Cẩm Xuyên nói riêng và Hà Tĩnh nói chung trong lịch sử.