Tại hệ thống thung lũng Valles Marineris, nước nằm dưới bề mặt lớp đất đóng băng, CNN dẫn thông báo hôm 16/12 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Valles Marineris chạy dọc trên bề mặt Sao Hỏa, với ước tính có chiều dài hơn 4.000 km, chiều rộng hơn 200 km và sâu tới 7 km.
Phần lớn nước trên Sao Hỏa nằm ở vùng cực dưới dạng đông đá. Tuy nhiên, khu vực Valles Marineris nằm ngay sát đường xích đạo của Sao Hỏa. Tại vị trí này, nhiệt độ thường không đủ thấp để khiến nước luôn ở trạng thái đóng băng.
"Với ExoMars Trace Gas Orbiter, chúng tôi có thể phân tích lớp địa chất sâu 1 m dưới mặt đất, biết được chuyện gì thực sự xảy ra dưới bề mặt Sao Hỏa và quan trọng nhất là xác định được những ốc đảo chứa nước trước đây không thể phát hiện", Igor Mitrofanov, chuyên gia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, cho biết.
Hình ảnh mô phỏng thung lũng Valles Marineris được NASA xây dựng từ các ảnh chụp bởi tàu vũ trụ Mars Odyssey. Ảnh: NASA. |
Tàu vũ trụ Trace Gas Orbiter sử dụng một thiết bị dò tìm neutron, qua đó xác định được một khu vực tại Valles Marineris chứa lượng hydrogen cao bất thường.
"Giả sử lượng hydrogen chúng tôi phát hiện được liên kết thành phân tử nước, ước tính 40% vật chất gần mặt đất là nước", ông Mitrofanov cho biết.
Các nhà khoa học cho biết khu vực chứa nước tại Valles Marineris có diện tích tương đương Hà Lan. Hiện tượng xảy ra ở Valles Marineris tương tự với các khu vực đất đóng băng vĩnh cửu tại Trái Đất, nơi nước đông đá tồn tại dưới lớp đất khô.
"Thông tin về vị trí và cách thức nước tồn tại trên Sao Hỏa hiện nay là rất cần thiết, giúp hiểu rõ hơn về lịch sử của hành tinh này, cho phép chúng ta tìm kiếm môi trường có thể sống được, các dấu hiệu sự sống trong quá khứ và các vật liệu sinh học của Sao Hỏa thời kỳ đầu", Colin Wilson, chuyên gia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, nói.