Theo các nhà khoa học, kim cương hình thành dưới áp suất cực lớn ở sâu trong lớp phủ Trái Đất nhờ các vụ phun trào núi lửa dưới lòng đất.
Viên kim cương Nam Phi được hình thành ở độ sâu khoảng 170 km dưới lòng đất, tại lớp phủ của Trái Đất.
Viên kim cương Nam Phi. Ảnh: Shutterstock. |
Chất mới trong viên kim cương này được cho là có thể tiết lộ các phản ứng hóa học bất thường xảy ra ở lớp phủ, lớp nằm giữa lớp vỏ và lõi ngoài của Trái Đất.
Khoáng vật mới được các nhà khoa học đặt tên là Goldschmidtite, theo tên của nhà hóa học nổi tiếng Victor Moritz Goldschmidt.
Nó có màu xanh lá cây kỳ lạ và có thành phần hóa học đặc biệt.
"Goldschmidtite có nồng độ niobi, kali và các nguyên tố đất hiếm lanthanum và cerium cao, trong khi phần còn lại của lớp phủ bị chi phối bởi các nguyên tố khác, như magiê và sắt", đồng tác giả nghiên cứu Nicole Meyer, nghiên cứu sinh tại Đại học Alberta ở Canada, nói.
Theo Meyer, kali và niobi chiếm phần lớn khoáng chất mới, có nghĩa là các nguyên tố tương đối hiếm bằng cách nào đó kết hợp với nhau và tạo thành chất mới, mặc dù có rất nhiều nguyên tố khác xung quanh.
Khoáng vật mới Goldschmidtite được chiết xuất từ viên kim cương Nam Phi. Ảnh: Nicole Meyer. |
"Goldschmidtite rất bất thường khi ở trong kim cương. Nó cho chúng ta thấy một bản chụp quá trình dung nham ảnh hưởng đến phần sâu bên trong của các lục địa trong quá trình hình thành kim cương", nhà hóa học Graham Pearson, đồng tác giả với Meyer cho biết.
Mẫu khoáng sản đã được chuyển đến Bảo tàng Hoàng gia Ontario ở Toronto, Canada.
Mỏ Koffiefontein, nơi phát hiện khoáng vật trên, nằm ở núi lửa của tỉnh Free State, Nam Phi.