Hóa thạch của loài khủng long chuyên đào hang được phát hiện ở hệ tầng Yixian, một hệ tầng địa chất ở Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Các nhà khoa học tin rằng chúng bị mắc kẹt trong vụ phun trào núi lửa khi đang nghỉ ngơi ở trong hang 125 triệu năm trước, CNN cho biết.
Pascal Godefroit, nhà cổ sinh vật học thuộc Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ cho biết: “Những con vật này nhanh chóng bị bao phủ bởi lớp trầm tích mịn khi chúng còn sống, hoặc ngay sau khi chết”.
Các nhà khoa học nói rằng hiệu ứng này rất giống với những gì xảy ra ở Pompeii, một bang của La Mã cổ đại, bị chôn vùi sau vụ phun trào núi lửa năm 79 sau Công nguyên, gần Napoli, Italy ngày nay.
Hóa thạch của loài khủng long chân chim được bảo quản nguyên vẹn trong vụ phun trào núi lửa. Ảnh: Carine Ciselet. |
Loài khủng mong mới được gọi là “Changmiania liaoningensis” (giấc ngủ vĩnh hằng), theo phiên âm tiếng Trung Quốc. Nó là một chi của khủng long chân chim, sống ở Kỷ Phấn trắng. Loài này thuộc động vật ăn cỏ, có thể chạy rất nhanh - dựa trên độ dài đuôi và cấu tạo chân của chúng.
"Một số đặc điểm nhất định của bộ xương cho thấy Changmiania có thể đào hang, giống loài thỏ ngày nay. Cổ và cẳng tay của nó rất ngắn, nhưng khỏe khoắn. Bả vai của nó là đặc điểm của động vật có xương sống chuyên đào hang và đỉnh mũi của nó có hình như một cái xẻng”, nhà cổ sinh vật học Godefroit nói.