Phát hiện hóa chất diệt ruồi, muỗi trong cá nục
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện các chất diệt muỗi, ruồi trong cá nục ở huyện Tĩnh Gia - Thanh Hóa.
Kết quả một trong những mẫu gửi đi kiểm tra đã phát hiện cá nục khô có chứa chất Trichlorfon, chất có tác động vị độc dùng diệt nhiều loại côn trùng như ruồi, muỗi… Sau những thông tin phản ánh về nhiều loại hải sản như: mực, cá khô tại Tĩnh Gia, Thanh hóa sử dụng chất có chứa trong thuốc trừ sâu, hóa chất… gây xôn xao dư luận, ngày 27/12 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có văn bản báo cáo việc kiểm tra các mẫu hải sản trong đó phát hiện có sử dụng chất có tác động vị độc và hàm lượng lưu huỳnh quá cao.
Người dân huyện Tĩnh Gia đang phơi cá với hóa chất diệt côn trùng. |
Theo đó, kết quả gửi mẫu đi kiểm tra các chỉ tiêu dư lượng kháng sinh cấm (Chloramphenicol, Bifenthrin, Trichlorfon, Histamine, Lưu huỳnh) thì phát hiện: 1 mẫu cá nục hấp phơi khô có dư lượng Trichlorfon 1264,3 µ/kg (Trichlorfon là hóa chất có tác động vị độc, khả năng thấm sâu. Loại hóa chất này diệt được nhiều loại côn trùng nhai gặm và liếm hút. Được dùng trong y tế để trừ ruồi);
Ngoài ra còn phát hiện chất lưu huỳnh (diêm sinh) trong sản phẩm cá khô và mực khô hàm lượng 1,26 –1115mg/kg. Đặc biệt là hàm lượng này quá cao trong sản phẩm mực khô, không phát hiện chất Bifenthrin trong sản phẩm thủy sản kiểm tra.
Để xảy ra tình trạng này, các nhà chức trách cho rằng do nhận thức về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản của chủ các cơ sở và người lao động trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Vì vậy mà một số chủ cơ sở đã lén lút sử dung một số loại hóa chất cấm trong sản xuất chế biến, bảo quản kinh doanh sản phẩm thủy sản.
Nhiều chất diệt muỗi và ruồi có trong cá nục được phát hiện tại huyên Tĩnh Gia, Thanh Hóa. |
Trước đó, Thanh Hóa cũng đã gửi 8 mẫu để phân tích đều không phát hiện có chất Bifenthrin, chất Chloramphenicol (chất bảo quản, giữ tươi) cũng như chất Trichlorfon (diệt ruồi, muỗi, côn trùng). Chỉ có mẫu cá ngừ tươi có kết quả 1.021,8 mg/kg hóa chất Histamine (đây là chất có thể gây ngứa, tiêu chảy); hóa chất lưu huỳnh (diêm sinh) có trong một mẫu cá nục khô hấp là 1,26 mg/kg và trong mẫu mực khô là 320 mg/kg...
Được biết, huyện Tĩnh Gia là một trong 6 huyện ven biển của tỉnh Thanh Hóa, có số lượng tàu thuyền và người tham gia đánh bắt, nuôi trồng thủy sản lớn. Ngoài ra, Tĩnh Gia còn là nơi có nhiều tàu thuyền các tỉnh khác lui tới bán hải sản trong quá tình đánh bắt.
Theo thống kê, Tĩnh Gia có hơn 200 cơ sở chế biến, kinh doanh hải sản. ngoài ra còn số lượng lớn các hộ dân tự chế biến và bán lẻ ra thị trường nên việc kiểm tra, giám sát rất khó khăn.
Theo Kiến Thức