Phát hiện hành tinh nhiều nước hơn Trái đất
Kính thiên văn vũ trụ Hubble vừa giúp xác định được thành phần khí quyển của GJ1214b, là một dạng chất giống như hơi nước, bao phủ toàn bộ hành tinh có diện tích lớn gấp 2,7 lần trái đất.
Trung tâm nghiên cứu Harvard-Smithsonian cho biết, họ đã xác định được thành phần vật chất của hành tinh GJ1214b chủ yếu là một dạng giống nước. Được các kính thiên văn đặt trên mặt đất phát hiện vào năm 2009 với tên gọi “siêu trái đất”, GJ1214b có đường kính lớn gấp 2,7 lần và nặng gấp bảy lần trọng lượng địa cầu. Tuy nhiên, những bức ảnh do kính thiên văn vũ trụ Hubble ghi lại đã giúp các nhà khoa học xác định được thành phần cấu tạo của GJ1214b.
Hành tinh GJ1214b. |
Theo đó, nó được bao phủ bởi một tầng khí quyển dày và nóng được hình thành do nước bốc hơi. Hành tinh này được gọi là một “thế giới nước”, với khối lượng nước có thể nhiều hơn cả so với trái đất. Tuy nhiên, do quỹ đạo của nó rất gần một ngôi sao màu đỏ giống như mặt trời nên nhiệt độ ở đây vào khoảng 232 độ C, rất khó để tồn tại sự sống.
Các nhà khoa học cho biết, do GJ1214b phải chịu áp suất và nhiệt độ rất cao nên vật chất trong nó sẽ vô cùng kì lạ, mà có thể con người chưa từng biết đến như “băng nóng” và “nước siêu lỏng”. Tuy nhiên, GJ1214b sẽ giúp loài người biết thêm được một dạng hành tinh hoàn toàn mới và mở ra hi vọng tìm thấy sự sống khác ngoài vũ trụ.
Ngoài ra, GJ1214b nằm cách trái đất chỉ 40 năm ánh sáng, nên sẽ rất thuận tiện cho việc quan sát và theo dõi bằng những thiết bị thiên văn. Do có một trong hai điều kiện cần thiết để đảm bảo tồn tại sự sống nên chắc chắn GJ1214b sẽ mang đến cho các nhà khoa học những khám phát bất ngờ về vũ trụ rộng lớn.
Hồng Duy
Theo Infonet.vn