Phát hiện hành tinh giống trái đất
Một hành tinh mới vừa được phát hiện ở hệ mặt trời bên cạnh chúng ta, có kích cỡ giống với trái đất và cũng quay quanh một mặt trời, tồn tại song song với Thái dương hệ trong dải ngân hà.
Các nhà thiên văn học châu Âu cho biết, đây là loại hành tinh mà họ luôn tìm kiếm trong thiên hà của chúng ta, dải ngân hà. Hành tinh cùng cỡ với trái đất cũng quay quanh một ngôi sao giống mặt trời của riêng nó, nằm cách chúng ta 35.000 tỷ km. Tính tới thời điểm hiện tại, người ta mới chỉ phát hiện được 2 hành tinh trong hệ mặt trời hàng xóm trái đất, vốn được biết đến với cái tên Alpha Centauri, nằm ở phía Nam chòm sao Nhân Mã (Centaurus). Hệ mặt trời này chính là ngôi sao sáng nhất của chòm sao Nhân Mã và sáng thứ 3 trên bầu trời mà con người có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Hành tinh giống trái đất ở hệ mặt trời "láng giềng". |
Tuy hình hài và kích cỡ giống với trái đất nhưng không thể tồn tại sự sống ở hành tinh vừa phát hiện bởi nó quay quá gần mặt trời của chính mình. Nghiên cứu của các nhà khoa học tiết lộ, bề mặt hành tinh giống với trái đất ở hệ mặt trời bên cạnh có nhiệt độ lên tới 2.200 độ C, quá nóng để tồn tại sự sống. Thậm chí, bề mặt hành tinh này có thể bị bao phủ bởi dung nham nóng chảy do nhiệt độ quá cao. Hành tinh này hoàn tất một vòng quay quanh mặt trời của riêng nó chỉ tương đương vài ngày địa cầu.
Tuy nhiên, việc phát hiện ra hành tinh giống với trái đất ở thái dương hệ bên cạnh mở ra hy vọng tìm thấy những hành tinh khác ở xa hơn, có đủ điều kiện tồn tại sự sống. Nếu hành tinh bí ẩn nào đó nằm cách mặt trời một khoảng cách vừa đủ, rất có thể tồn tại nước và các yếu tố hỗ trợ sự sống, giống với trái đất của chúng ta.
Dù nằm ngay bên hệ mặt trời hàng xóm nhưng công nghệ tên lửa hiện tại vẫn phải mất hàng chục ngàn năm để đưa vệ tinh đầu tiên đến “thăm” Thái dương hệ bên cạnh. Tuy nhiên, việc nhìn thấy người “láng giềng” hàng đêm bằng mắt thường như thách thức các nhà khoa học, khiến họ gây sức ép với Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu với hy vọng đột phá công nghệ giúp đưa vệ tinh tới do thám trong thời gian sớm nhất.
Hồng Duy
Theo Infonet