Hình minh họa hành tinh GJ 1132b. Ảnh: Nature. |
Một bài báo trên tạp chí Nature hôm 12/11 cho biết, GJ 1132b - tên của hành tinh đá có kích thước khá giống trái đất - xoay quanh một ngôi sao cách chúng ta 39 năm ánh sáng. Nó lớn hơn khoảng 16% so với hành tinh xanh.
David Charbonneau, một nhà thiên văn của Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp phát hiện GJ 1132b.
Drake Deming, một nhà thiên văn của Đại học Maryland tại Mỹ, nói rằng, do GJ 1132b chỉ cách địa cầu 39 năm ánh sáng, các nhà nghiên cứu có thể dùng kính thiên văn để nghiên cứu bầu khí quyển của nó.
"Đây là thiên thể gần trái đất nhất trong số những hành tinh đá mà con người phát hiện từ trước tới nay. Nó là đối tượng quan trọng nhất trong số những hành tinh chúng ta tìm thấy ngoài hệ Mặt Trời", Deming nhận định.
Mặc dù vậy, sự sống không thể tồn tại trên GJ 1132b do nhiệt độ bề mặt của nó lên tới hơn 230 độ C - quá nóng để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng. Nhiệt độ bề mặt quá cao do GJ 1132b chỉ cách ngôi sao của nó khoảng 2,25 triệu km - gần hơn 26 lần so với khoảng cách giữa sao Kim và mặt trời.
GJ 1132b xoay một vòng quanh ngôi sao trong 1,6 ngày - ngắn hơn rất nhiều so với thời gian trái đất xoay quanh mặt trời.