Ngày 3/3, người dân phát hiện ở khu vực hồ chứa nước Suối Dầu, xã Suối Tân và kênh chính nam hồ chứa nước Cam Ranh đoạn đi qua địa bàn xã Cam Hiệp Bắc (đều thuộc địa phận huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), có hàng chục xác lợn chết liền báo cơ quan chức năng.
Người dân phát hiện hàng chục xác lợn chết tại hồ chứa nước Suối Dầu. Ảnh: A.Bảo.
|
Ngay sau đó, Trạm chăn nuôi và thú y huyện Cam Lâm có mặt để thu gom và mang đi tiêu hủy. Theo xác minh ban đầu, tại điểm hồ Suối Dầu phát hiện 18 xác lợn, còn tại kênh chính nam hồ chứa nước Cam Ranh có khoảng 20 xác lợn đều đang trong quá trình phân hủy.
Theo lãnh đạo Trạm chăn nuôi và thú y huyện Cam Lâm, hiện chưa xác định được số lợn chết có nguồn gốc từ đâu. “Chúng tôi đã thu gom và mang đi tiêu hủy bằng phương pháp chôn lấp, tiêu độc, khử trùng”, vị lãnh đạo này nói.
Trao đổi với Zing.vn, lãnh đạo Chi Cục chăn nuôi và thú y tỉnh Khánh Hòa nói sau khi nhận thông tin lợn chết, ngay trong ngày 3/3, cơ quan chức năng tiến hành rà soát để xác định nguồn gốc số lợn chết nói trên. Chi cục cũng tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm số lợn chết tại 2 điểm trên để tìm nguyên nhân xem xét có liên quan đến bệnh dịch tả lợn châu Phi hay không.
Ngày 15/11/2018, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký ban hành quyết định về kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với dịch tả lợn châu Phi. Hiện dịch tả lợn đã được phát hiện tại nhiều tỉnh như, Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa và Hải Dương...
Việt Nam là nước thứ 3 ở Châu Á, sau Trung Quốc và Mông Cổ, và là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á phát hiện dịch tả lợn Châu Phi.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%.
Thống kê của OIE, tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1 triệu con lợn phải tiêu hủy.
Khu vực hồ Suối Dầu, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa nơi phát hiện heo chết. Ảnh: Google Maps.
|