Ngày 18/3, tạp chí PLOS ONE đưa tin hai loài cá mập lưỡi cưa hiếm đã được phát hiện ở phía tây Ấn Độ Dương gần Madagascar và Zanzibar. Chúng lần lượt có tên là Pliotrema kajae và Pliotrema annae.
Những con cá đặc biệt này có 6 khe mang mỗi bên má. Trong khi các loài cá mập lưỡi cưa thông thường chỉ có 5 khe mang.
Hai loài cá mập lưỡi cưa hiếm được phát hiện sống ở phía tây Ấn Độ Dương. Ảnh: CNET. |
Nhà nghiên cứu cá mập đồng thời giữ vai trò trưởng nhóm khám phá Simon Weigmann mô tả việc tìm ra hai loài cá lưỡi cưa mới này "đơn giản là rất đáng kinh ngạc".
"Kiến thức về cá mập lưỡi cưa ở tây Ấn Độ Dương nhìn chung vẫn còn khan hiếm. Nhưng nếu xem xét độ sâu sinh sống thích hợp của hai loài cá mới, chúng có thể bị ảnh hưởng bởi các hoạt động đánh bắt từ ngư dân", Weigmann nói.
Các nhà khoa học lo ngại rằng việc săn bắt quá mức sẽ đe dọa tới môi trường sống của loài cá mập này.
Cá mập lưỡi cưa dùng chiếc mũi đặc thù làm vũ khí săn mồi hữu dụng. Ảnh: Genk. |
Lý do giống loài đặc biệt này có tên cá mập lưỡi cưa vì đặc điểm nhận dạng của chúng là chiếc mũi dài và sắc nhọn y hệt máy cưa thật. Khi săn mồi, cá mập lưỡi cưa sẽ tận dụng mũi như một thứ vũ khí.
"Chuyển động nhanh và linh hoạt của chiếc mũi giúp cá mập lưỡi cưa cắt con mồi thành từng mảnh nhỏ để có thể ăn chúng dễ dàng hơn", người phát ngôn của Đại học Newcastle chia sẻ kiến thức với báo CNET.
Trước đây, chỉ có một loài cá mập lưỡi cưa 6 khe mang được tìm thấy là Pliotrema warreni. Tuy nhiên hình chụp X-quang của chúng lại cho thấy sự khác biệt và chia ra làm 3 giống loài.
Hình X-quang xương hàm của 3 loài cá mập lưỡi cưa 6 khe mang. Loài P. kajae (trên), loài P. annae (giữa) và loài P. warreni (dưới). Ảnh: CNET. |
"Phát hiện này chứng minh tầm quan trọng của vùng biển Ấn Độ Dương đối với hệ sinh thái các loài cá mập và cá đuối. Đồng thời nó cũng cho thấy đại dương còn rất nhiều điều con người vẫn chưa khám phá hết", Andrew Temple, cộng sự của Weigmann khẳng định.