Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát hiện gần 200 mộ cổ hàng nghìn năm tuổi ở TP.HCM

Khai quật hơn 200 m2 thuộc di tích khảo cổ quốc gia Giồng Cá Vồ, các nhà khảo cổ học phát hiện 185 mộ chum, 13 mộ đất cùng hàng trăm di vật quý.

Viện Khảo cổ học vừa phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM và Bảo tàng Lịch sử TP.HCM tiến hành khai quật di tích khảo cổ quốc gia Giồng Cá Vồ lần thứ 2, đồng thời tổ chức lễ công bố các phát hiện quan trọng.

Trong hơn 10 tháng (15/1-21/10/2021), các đơn vị đã tiến hành khai quật 225 m2 gồm 5 hố thăm dò và một hố khai quật.

Tại hố khai quật phục vụ cho công tác bảo tồn tại chỗ, trưng bày và phát huy giá trị với diện tích 200 m2, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 185 mộ chum, 13 mộ đất cùng hàng trăm di vật quý bằng nhiều chất liệu: vàng, đá quý, thủy tinh, đá, nhuyễn thể...

Nhiều di vật lần đầu tiên phát hiện tại di tích như khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, lá vàng, vòng tay đá quý, hiện vật hình tù và, các loại hình mộ chum, di cốt.... chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa cùng lịch sử hình thành và phát triển TP.HCM cách đây trên 2.000 năm.

Kết quả khai quật cũng cho thấy di tích Giồng Cá Vồ ở khu vực trung tâm có địa tầng dày khoảng 1,7 m chia thành 3 giai đoạn: cư trú, mộ táng và canh tác hiện đại.

Niên đại của di tích trên được các nhà nghiên cứu xác định khoảng từ 2.500 năm trước đến khoảng đầu công nguyên. Đây là một di tích có nền hình thành nên văn hóa Óc Eo thuộc vương quốc Phù Nam.

Trên cơ sở nghiên cứu các đặc điểm nhân chủng qua hàng trăm di cốt của mộ chum, mộ đất và các đặc điểm về di vật, PGS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, nhận định đó là những nhóm cư dân bản địa, chủ đạo là cư dân truyền thống văn hóa Đồng Nai có giao lưu văn hóa với thế giới bên ngoài trong đó có nhiều yếu tố ảnh hưởng của văn hóa hải đảo.

mo co o TP.HCM anh 3

Hiện trường khai quật di tích Giồng Cá Vồ năm 2021. Ảnh: Viện Khảo cổ học.

Trong khi đó, PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho biết đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ học phát hiện một di tích với mật độ mộ chum dày đặc, cột địa tầng được làm rõ với sự phát triển liên tục từ di tích cư trú đến di tích mộ táng.

Theo chuyên gia, di tích Giồng Cá Vồ cần được thực hiện bảo tồn tại chỗ hố khai quật và xây dựng phương án trưng bày phục vụ phát huy giá trị di tích. Ông Tín cũng đề nghị TP.HCM cùng các nhà khoa học lập hồ sơ trình Chính phủ công nhận Giồng Cá Vồ là di tích quốc gia đặc biệt.

Trước đó, dù đã được xếp hạng và công nhận là Di tích khảo cổ học quốc gia năm 2000 nhưng đến nay, khu vực di tích và hố khai quật chưa giải phóng mặt bằng. Người dân vẫn thực hiện canh tác gây ảnh hưởng đến di tích và khó khăn cho công tác thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Vì vậy, các nhà khoa học kiến nghị TP.HCM cần thiết thực hiện gấp công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án một cách đồng bộ.

Di tích khảo cổ học Giồng Cá Vồ (thuộc ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP.HCM) được phát hiện năm 1993. Tổng diện tích khu Giồng Cá Vồ theo hồ sơ khoanh vùng bảo vệ năm 2000 là 29.000 m2. Trong đó khu vực trung tâm - khu vực 1 của di tích nằm trên một giồng đất đỏ cao hơn khu vực xung quanh khoảng 1,5 m, có diện tích là 7.000 m2.

Trong lần khai quật đầu tiên năm 1994, các nhà khảo cổ phát hiện có 38 ngôi mộ chum trong đó 23 mộ có di cốt người cùng nhiều đồ tùy táng bằng gốm, đá, thủy tinh, vỏ nhuyễn thể, sắt…

Bên cạnh đó còn phát hiện được nhiều đồ tùy táng bằng gốm, đá, thủy tinh, vỏ nhuyễn thể, sắt… hiện vật chủ yếu là đồ trang sức.

Năm 2000, Giồng Cá Vồ được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích khảo cổ học cấp quốc gia. Đến năm 2018, các nhà khoa học tiếp tục tổ chức thám sát di tích này.

Hiện, các hiện vật thuộc di tích Giồng Cá Vồ được trưng bày ở một số bảo tàng như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM và Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa Nam Bộ.

Tiếp nhận ảnh phục dựng 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc

Ban Quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc vừa tiếp nhận 10 bức ảnh của 10 nữ anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.

Di tích thời nhà Nguyễn hư hại nặng sau vụ hỏa hoạn

Vụ hỏa hoạn khiến nhà trưng bày hiện vật thời kỳ chống Pháp của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế, bị hư hại nặng. Đây là công trình có giá trị kiến trúc, xây dựng thời nhà Nguyễn.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm