Sau khi kiểm tra hiện trường cầu, vị trí óc neo đứt, Bộ trưởng đã có buổi làm việc cùng lãnh đạo tỉnh Lai Châu. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Chử đã báo cáo diễn biến vụ tai nạn và công tác cứu nạn.
Đoàn công tác kiểm tra hiện trường vụ tai nạn. |
Theo báo cáo này, vào khoảng 8h30 ngày 24/2, tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình huyện Tam Đường (Lai Châu) xảy ra sự cố đứt óc neo kéo cáp cầu treo. Trong lúc người dân đưa đám tang ông Chang A Súa sinh năm 1986, Phó Chủ tịch HĐND xã Sơn Bình qua cầu thì xảy ra sự cố làm khoảng 50 người rơi xuống suối cạn từ độ cao khoảng 15m.
Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo, Bộ trưởng yêu cầu các thành viên trong đoàn công tác của Bộ giao thông vận tải đánh giá sơ bộ nguyên nhân tai nạn. Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình, cho rằng kiểm tra thực tế cho thấy cáp cầu treo là loại chịu được trọng tải tới 79 tấn, tự trọng của cầu cũng có tải trọng lớn nhưng kết cấu neo lại không đồng bộ với cáp.
Theo ông Sanh, kết cấu neo này đáng ra phải sử dụng bu lông cường độ cao mới đảm bảo chất lượng, nên ở đây, tai nạn đã xảy ra do đứt óc neo - chính là vị trí chịu tải yếu nhất. "Để đảm bảo việc vận hành và sử dụng cầu treo dân sinh dạng này thì cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình vận hành và sử dụng đồng thời nên áp dụng công nghệ cảnh báo khi có quá tải", ông Sanh đề xuất và kiến nghị tới đây phải kiểm tra toàn bộ óc neo với cầu treo dân sinh.
Đồng quan điểm này, ông Trần Quốc Toản, Vụ phó Vụ Kết cấu hạ tầng, cho rằng nguyên nhân đứt óc neo là do tăng đơ và cáp không đồng bộ. Qua khảo sát tại hiện trường không có bảo vệ tăng đơ nên bộ phận này rất dễ bị gỉ sét, qua thời gian rất dễ bị bào mòn, ảnh hưởng đến chất lượng.
Dưới góc độ an toàn giao thông, ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông, cho hay không có cầu treo dân sinh nào có thể chịu được trọng lực khi đám đông hàng chục người cùng lúc đi qua vì sẽ tạo dao động cộng hưởng. Trong khi đó tại đây lại không có hướng dẫn kỹ về sử dụng và vận hành cầu treo, khiến số người qua cầu quá đông, quá khả năng chịu tải của cầu.
"Hiện cả nước có rất nhiều cầu treo, có cầu còn yếu hơn cầu này vì thế đề nghị tỉnh Lai Châu và Bộ giao thông vận tải cho tổng kiểm tra cầu các cầu treo dân sinh đồng thời ngoài hướng dẫn tải trọng phải có hướng dẫn sử dụng ngắn gọn dễ hiểu và tuyên truyền để người dân hiểu và tuân thủ khi qua cầu".
Ông Đoàn Đức Long, Giám đốc Sở giao thông vận tải, cho biết: "Cây cầu này do huyện Tam Đường làm chủ đầu tư, thẩm định thiết kế cũng do các cơ quan chuyên môn của huyện đảm nhiệm. Với cầu treo thì nguyên tắc không được diễu hành đông người qua cầu nhất là khi số người quá đông, quá tải trọng cho phép của cầu”.
Tuy nhiên, qua vụ việc này, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông vận tải của tỉnh, ông Long cũng nhận trách nhiệm và cho rằng cần có hướng dẫn giao thông cụ thể và dễ hiểu hơn cho người dân. Tới đây tỉnh sẽ làm hướng dẫn sử dụng cầu treo dân sinh dạng này và cũng đề nghị Bộ sớm có hướng dẫn về kỹ thuật, ông Long đề xuất.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị lãnh đạo tỉnh Lai Châu yêu cầu Công an điều tra làm rõ nguyên nhân sập cầu. Từ vụ tai nạn này, tới đây, những cầu treo dân sinh vẫn phải có cơ quan chức năng của ngành giao thông thẩm tra thiết kế, khi xong phải có nghiệm thu và hướng dẫn sử dụng, Bộ trưởng chỉ đạo dứt khoát.
Bộ trưởng đề nghị tỉnh kiểm tra ngay chất lượng các cầu treo tại địa bàn, nhất là cầu Chu Va 8 vì đây cũng là cầu do cùng đơn vị thiết kế thi công với cầu vừa xảy ra tai nạn. Bộ trưởng yêu cầu tỉnh xem xét lại việc phân cấp cho huyện trong việc đầu tư các dự án đường giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh.
Ông Đinh La Thăng cho biết đã ký Quyết định thành lập tổ điều tra độc lập về nguyên nhân sập cầu gồm đại diện các đơn vị chức năng của Bộ. Bộ sẽ có Công điện gửi UBND các tỉnh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu rà soát kiểm định lại chất lượng hệ thống cầu treo dân sinh, xây dựng quy trình vận hành cầu.
Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan của Bộ nghiên cứu đưa ứng dụng công nghệ hiện đại vào xây cầu, thậm chí cần xây dựng cảnh báo tự động khi cầu quá tải trọng. Hiện nay, Bộ đang xây dựng đề án xây trên 1.000 cầu giao thông nông thôn trên cả nước trong đó có 198 cầu treo. Qua sự việc này, các cầu xây mới sẽ phải rà soát lại thiết kế, công nghệ, hướng dẫn sử dụng để đảm bảo an toàn cao nhất cho người qua lại, Bộ trưởng nhấn mạnh.