Trong quá trình đào đất làm móng xây dựng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa phận Chiêm Sơn - Triền Tranh (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), các công nhân xây dựng đường đã phát hiện một di tích Chăm bí ẩn dưới lòng đất.
Ngay sau khi phát hiện di tích, đơn vị thi công lập tức đã báo với cơ quan chức năng Quảng Nam và đã tiến hành khai quật. Các nhà khảo cổ học từ Viện khảo cổ học Việt Nam nhận định, đây là dấu tích một khu tập giảng kinh sách được sử dụng lâu dài từ khoảng thế kỷ thứ 9.
Tại khu vực khai quật, khu tường thành bằng gạch Chăm nằm dưới lòng đất ở độ sâu khoảng hơn 1 m phát lộ với rất nhiều bí ẩn chưa thể giải mã được. Hiện, các nhà khảo cổ học đã khai quật 20 hố dọc hành lang tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để nghiên cứu.
Khu vực hiện trường đang khai quật phát hiện khu nền tháp Chăm “bí ẩn”. |
Sau hơn 2 tháng (từ giữa tháng 1/2015), các nhà khảo cổ đã đào, phát hiện khu phế tích trên diện tích hơn 2.000 m2. Nhiều thành phần kiến trúc phát lộ. Trong đó quan trọng nhất là hệ thống tường bao bằng gạch Chăm dài khoảng 60 m cùng ngói, gạch, thanh đá bậc cửa, đồ đất nung Chăm, gốm sứ Đại Việt thời Trần, gốm sứ nước Trung Quốc...
Một khu đền thờ chính cũng được phát hiện. Phía sau khu đền thờ có kiến trúc chia ô nhỏ mà các nhà khảo cổ bước đầu hình dung về dấu tích những ngôi nhà lợp ngói đã sụp đổ. Nghiên cứu ban đầu cho thấy nơi đây là nơi nhà vua từ kinh đô Trà Kiệu tụ tập giới tăng lữ về Triền Tranh để tập giảng kinh sách, luyện kinh thờ cúng và tiến hành các nghi lễ…
Tại hiện trường, các nhà khảo cổ tiếp tục khai quật 1.000 m2 nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng đường cao tốc.
TS Lê Đình Phụng, Trưởng phòng Nghiên cứu khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học) nhận định: "Đây là dấu tích khu tập giảng kinh sách của Bà La Môn giáo, hoàn toàn khác với Đồng Dương - di tích quốc gia thuộc địa bàn huyện Thăng Bình (Quảng Nam) vốn là một Phật viện lớn nhất Đông Nam Á hồi thế kỷ 9".