Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát hiện dấu hiệu Triều Tiên chuẩn bị thử hạt nhân

Triều Tiên có khả năng đang chuẩn bị thử nghiệm hạt nhân bí mật dưới lòng đất lần thứ 4 ở Punggye-ri, nơi cách đây không lâu diễn ra vụ thử tương tự.

Phát hiện dấu hiệu Triều Tiên chuẩn bị thử hạt nhân

Triều Tiên có khả năng đang chuẩn bị thử nghiệm hạt nhân bí mật dưới lòng đất lần thứ 4 ở Punggye-ri, nơi cách đây không lâu diễn ra vụ thử tương tự.

Nhiều nguồn tin còn cho hay Triều Tiên sẽ phóng thử tên lửa vào ngày 10/4.

Báo Hàn Quốc Joong Ang Daily dẫn nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc giấu tên cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện sự gia tăng đáng kể các hoạt động của cả con người lẫn phương tiện tại đường hầm phía nam của bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên, nơi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần 3 ngày 12/2 đẩy căng thẳng liên Triều lên tới đỉnh điểm. Sau vụ thử, Bình Nhưỡng đã tiến hành các hoạt động bảo dưỡng và nâng cấp các thiết bị và cơ sở này”.

Ngoài ra, nguồn tin còn cho biết, các hoạt động gia tăng mới được phát hiện ở Punggye-ri tương tự như những gì đã diễn ra trước vụ thử hạt nhân lần 3 của Triều Tiên. Do đó, Seoul đang theo dõi chặt chẽ mọi động thái ở bãi thử này.

Theo một quan quan chức cấp cao của Hàn Quốc, Seoul đã nhiều lần được cảnh báo rằng: “Bình Nhưỡng sẽ sớm tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân nhưng chúng tôi cũng đang phân tích xem liệu có phải những hoạt động chuẩn bị như trên của họ có phải là chiêu bài gây áp lực với Hàn Quốc và Mỹ hay không”.

Thông tin Triều Tiên chuẩn bị thử nghiệm hạt nhân lần 4 đến trong bối cảnh Hàn Quốc vừa ra cảnh báo Bình Nhưỡng có khả năng phóng tên lửa vào ngày 10/4 – được xem một phần của hoạt động kỷ niệm ngày sinh của người sáng lập đất nước, Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Bình luận về vấn đề này, trưởng nhóm cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye cho biết, hiện vẫn chưa có thông tin khẳng định Triều Tiên sẽ phóng tên lửa vào đúng ngày 10/4 – thời hạn Bình Nhưỡng tuyên bố không thể đảm bảo an toàn cho các đại sứ quán nước ngoài tại đây đồng thời đề nghị họ rút nhân viên ngoại giao về nước.

Trong khi đó, Chính phủ các quốc gia đã phớt lờ cảnh báo của Triều Tiên đồng thời tuyên bố không có kế hoạch rút nhân viên sứ quán về nước.

“Thời hạn nào cũng vậy, việc Triều Tiên tuyên bố không thể đảm bảo an ninh cho các đại sứ quán là không thể chấp nhận”, Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh.

Hôm qua, Mỹ đã hoãn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa vì sợ khiêu khích Triều Tiên. Còn hãng tin Jiji của Nhật Bản đưa tin, Bộ Quốc phòng nước này đã phát lệnh bắn hạ và phá hủy bất cứ tên lửa nào họ phát hiện đang bay trên bầu trời.  

Trong khi đó, cùng ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, không thể chấp nhận chuyện bất cứ quốc gia nào đó “đổ dầu vào lửa”, đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trở nên sôi sục thêm, đặt toàn bộ khu vực trên cũng như toàn bộ thế giới đối mặt với nguy cơ chiến tranh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon sẽ không dung thứ cho bất cứ “hành động quấy rầy nào diễn ra trước cửa ngõ của họ”.

Mỹ đang chơi khúc dạo đầu cho cuộc chiến tranh toàn cầu?

Một số nhà quan sát độc lập cho rằng, các mối đe dọa về nguy cơ chiến sự leo thang trong khu vực nói riêng và toàn thế giới nói chung, thực chất không bắt nguồn từ Triều Tiên mà xuất phát từ chính chính quyền Mỹ.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Toàn cầu hóa kiêm giáo sư Đại học Ottawa, Michel Chossudovsky, nhấn mạnh: “Chỉ cách đây vài tuần, có thông tin Lầu Năm Góc đã và đang thực thi chiến lược đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang. Theo đó, Mỹ đã triển khai các máy bay có khả năng hạt nhân vào trò chơi chiến tranh của họ... Chúng ta phải phân tích tình hình dựa trên quan điểm lịch sử, bởi những mối đe dọa như vậy đã diễn ra hơn nửa thế kỷ, kể từ khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên”.

Đồng thời, ông Chossudovsky cũng bình luận: “Xem xét và nghiên cứu học thuyết hạt nhân của Mỹ, chúng ta thấy khoản tiền kếch xù 32 tỷ USD mà Washington mạnh tay chi cho việc tân trang, cải tiến kho vũ khí hạt nhân. Chúng ta cũng thấy khoản ngân sách 10 tỷ USD Mỹ ném vào hoạt động nâng cấp kho vũ khí hạt nhân chiến lược, có khả năng được phóng từ máy bay B-2 mà Lầu Năm Góc gần đây triển khai trên bầu trời Hàn Quốc, khiêu khích Triều Tiên. Chưa hết, chúng ta cũng thấy Thượng Viện Mỹ ra một nghị quyết trong đó nhấn mạnh, vũ khí hạt nhân vô hại đối với con người và có khả năng được huy động  trong kịch bản chiến tranh thông thường".

Khi được hỏi về giải pháp ngăn chặn khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nói riêng và trên toàn thế giới nói chung hiện nay, Giáo sư Chossudovsky nhấn mạnh, ông nhìn thấy một lối thoát hữu hiệu nhất nếu “người dân trên toàn thế giới, đặc biệt là người dân ở các quốc gia phương Tây có khả năng nhận thức rằng Mỹ và khối liên minh quân sự NATO chính là mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu. Và nếu họ muốn tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân phủ đầu nhắm vào bất cứ quốc gia nào trên thế giới, đó sẽ là khúc dạo đầu cho cuộc chiến tranh toàn cầu”.

Phương Đăng

Theo Infonet

Phương Đăng

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm