Bên hành lang Quốc hội, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) vừa có cuộc trao đổi với báo chí về công tác phòng chống tham nhũng, bổ nhiệm cán bộ.
- Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội có nói hành vi tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ, ở cấp xã, phường, ông có suy nghĩ gì về nhận định này?
- Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp phản ánh đúng thực tế. Vừa qua, chúng ta phát hiện nhiều vụ tham nhũng nhưng chỉ ở cấp xã, phường hay còn gọi là cấp cơ sở, tham nhũng nhỏ. Tại sao thế, vì cấp cơ sở thì rất sát dân, chúng ta vận động quần chúng nhân dân giám sát nên người dân quan tâm phát hiện tham nhũng.
Tuy nhiên, những vụ việc tham nhũng được người dân phát hiện chỉ là nhỏ, chưa phải mức độ lớn. Ở cấp tỉnh, cấp Trung ương, người dân khó tiếp cận nên việc phát hiện những tiêu cực, tham nhũng. Hay nói cách khác ở cấp trên ít khi người dân giám sát được.
Ví dụ như: Một dự án Trung ương đưa xuống cơ sở người dân họ chỉ biết là Trung ương đưa xuống, còn sự minh bạch thế nào người dân không biết được. Những dự án nhỏ như làm đường ngõ, xóm, trạm điện, trường học... buộc phải minh bạch thì người dân biết.
- Làm thế nào để người dân phát hiện cả những vụ tham nhũng ở cấp tỉnh, thành?
- Người lãnh đạo dù là cấp nào nhưng nếu tham nhũng đều bị xử rất nặng. Tuy nhiên tội phạm này là tội phạm ẩn, lại liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn, kể cả những người quyết định cả những người làm nhiệm vụ PCTN. Cho nên không phải dễ. Như tôi bây giờ nếu có phát hiện cấp trên của mình tham nhũng thì cũng đâu phải dễ.
Dù vậy tất cả mọi thứ đều có quy chế giám sát, để huy động được người dân tham gia phát hiện tham nhũng, theo đúng cương lĩnh của Đảng là dân biết, dân làm, dân kiểm tra thì phải minh bạch.
Những cái gì thuộc phạm vi bí mật quốc gia không thể minh bạch được thì thôi, còn cái gì minh bạch được thì phải minh bạch.
Nếu, chúng ta chỉ huy động sức mạnh giám sát của dân mà không minh bạch, cụ thể cho dân biết thì làm sao giám sát được cái gì sai, cái gì đúng, việc này chúng ta phải khắc phục. Còn công khai minh bạch thế nào cũng phải tính, đương nhiên.
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Có đại biểu Quốc hội nói phải phát huy sức mạnh giám sát của người dân thông qua Mặt trận Tổ quốc. Tôi thấy ý kiến này rất đúng, ở quốc gia nào cũng vậy, mọi thứ đều minh bạch, cụ thể bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu, điều đó sẽ giúp cho sự minh bạch.
Quy trách nhiệm người đứng đầu vào Luật
- Gần đây có những vụ bổ nhiệm cả họ làm lãnh đạo, hay bổ nhiệm lúc sắp về hưu, đó có phải là biến tướng của tham nhũng?
- Cái này mà khẳng định đó là thủ đoạn hay hình thức mới của tham nhũng thì tôi chưa dám kết luận. Qua những vụ việc bổ nhiệm cán bộ mà báo chí nêu, sau đó người có trách nhiệm đều nói đúng quy trình.
Nhiều việc theo hình thức thì đúng quy trình, nhưng thực ra chưa quy trình đó nó chưa phản ánh hết những cái thực chất bên trong mới là vấn đề đáng bàn. Ví dụ: Tôi là Bí thư tỉnh ủy hay Bí thư huyện ủy đề bạt mấy chục cán bộ là con em mình, theo quy trình thì đúng hết, không ai bảo sai. Nhưng đặt vấn đề, tôi không phải là bí thư liệu Ban cán sự Đảng ở đó có đề bạt người nhà tôi hay đề bạt khác cũng có trình độ tương đương.
Đây là vấn đề chúng tôi cũng đang suy nghĩ và tới đây sửa Luật phòng, chống tham nhũng phải tính đến vấn đề trách nhiệm người đứng đầu trong nhận thức về công tác cán bộ thế nào, cho tới thực hiện các quy trình, bên cạnh đó là ngăn chặn đến vấn đề lợi ích nhóm hoặc tư lợi.
- Việc kê khai tài sản còn rộng và hình thức có cần phải co lại thưa ông?
- Qua thực tế cũng như tham khảo kinh nghiệm nhiều nước, tôi thấy số lượng cán bộ phải kê khai tài sản nhiều hay ít không quan trọng. Vấn đề đối tượng kê khai có làm đúng không, chính xác không, kê khai rồi có quản lý được không, có cơ chế giám sát không, có biết được sự tăng giảm của tài sản không.
Theo thống kê có hơn một triệu người phải kê khai tài sản, sau này sửa Luật rồi tôi nghĩ không phải một triệu người, hai triệu người hay mấy trăm nghìn người kê khai là vấn đề quan trọng. Mấu chốt là chỗ khác, tới đây khi sửa Luật, có thể tôi sẽ đề nghị kê khai tài sản của cả người thân trong gia đình quan chức.
Những quan chức nếu thu lợi bất chính khi mua nhà, mua đất, có anh nào dám đứng tên rồi kê khai số tài sản đó mà họ phải đứng người thân trong gia đình, con cái trên 18 tuổi.