Các quan chức ở Burnsville, thành phố cách Minneapolis khoảng 24 km về phía nam, cho biết những con cá vàng bị thả ra ngoài sông hồ có thể phát triển lớn gấp nhiều lần so với kích thước thông thường và gây tổn hại tới các loài vật khác, theo Guardian.
"Vui lòng không thả cá vàng xuống sông hồ!”, giới chức trách thành phố Burnsville đăng tải lời kêu gọi lên Twitter vào cuồi tuần rồi. "Chúng sẽ phát triển tới kích thước lớn hơn chúng ta tưởng rất nhiều và gây tổn hại tới chất lượng nước khi gây nhão các lớp trầm tích dưới đáy sông hồ và làm bật gốc thực vật".
Cá vàng khổng lồ được tìm thấy trên hồ Keller ở Burnsville. Giới chức trách địa phương kêu gọi người dân không thả cá cảnh ra sông hồ. Ảnh: Twitter của thành phố Burnsville. |
Tháng 11/2020, các quan chức ở hạt Carver gần đó đã loại bỏ 50.000 con cá vàng khỏi sông hồ địa phương. Giám đốc quản lý nguồn nước của quận, ông Paul Moline, cho biết cá vàng “là một loài chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng” với “khả năng cao gây tác động tiêu cực đến chất lượng nước của các hồ”.
Giống như cá chép, cá vàng có thể dễ dàng sinh sản và tồn tại trong nguồn nước có lượng oxy thấp vào mùa đông ở Minnesota.
Cơ quan tài nguyên thiên nhiên Minnesota khuyến cáo: “Tưởng như thả vài con cá vàng có vẻ không gây hại gì cho sông hồ địa phương nhưng thực tế không phải vậy”.
Sự tàn phá sinh thái do vật nuôi thả vào tự nhiên không phải vấn đề mới. Cá mao tiên ăn thịt, loài có nguồn gốc từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng được cho là đã được các chủ vật nuôi ở Florida thả sau cơn bão Andrew năm 1982, đã giết chết hàng chục loài Caribe, khiến rong biển lấn át các rạn san hô.
Cá vàng ít được chú ý hơn các loài xâm lấn khác, như cá chép châu Á và vẹm ngựa vằn, nhưng nhiều cảnh báo về loài vật này đã được đưa ra ở bang Virginia và Washington cũng như Australia và Canada.
Vào năm 2013, tờ Scientific American từng đưa tin các nhà nghiên cứu đánh lưới trên hồ Tahoe đã bắt được một con cá vàng dài gần 1,5 m và nặng 1,9 kg. Tác giả của một báo cáo về buôn bán cá cảnh của California cho biết: “Trên toàn cầu, hoạt động buôn bán cá cảnh đã đóng góp một phần ba số loài thủy sinh và xâm lấn tồi tệ nhất trên thế giới”.