Theo CNN, đây là phát hiện quan trọng về loài cá mập ma vì trong lịch sử hiếm khi người ta được chứng kiến một cá thể sơ sinh của loài này.
Loài cá với phần mặt có mũi dài như vòi voi còn được gọi là cá mập voi hay makorepe trong tiếng Maori bản địa. Chúng sinh sống ở vùng nước sâu khoảng 200 m, ngoài khơi bờ biển phía nam Australia và phía đông New Zealand.
Cũng giống như nhiều loài cá mập khác và cá đuối, cá mập ma là cá sụn, với bộ xương chủ yếu tạo thành từ sụn (vì vậy không có hóa thạch để nghiên cứu nhiều hơn về chúng). Loài này đẻ trứng dưới đáy biển và con non ăn lòng đỏ trứng cho đến khi chúng nở.
Bà Brit Finucci, nhà nghiên cứu ngư nghiệp và là thành viên của nhóm phát hiện con cá mập ma sơ sinh, cho biết nhóm có thể khẳng định được điều này vì bụng con cá vẫn còn đầy lòng đỏ trứng.
Mẫu cá mập ma sơ sinh được phát hiện bởi các nhà khoa học New Zealand. Ảnh: CNN. |
"Chúng ta biết không thực sự nhiều về cá mập ma. Những gì chúng ta biết hầu hết đến từ các mẫu vật trưởng thành. Rất hiếm khi tìm thấy con non của loài vật này và đó là lý do chúng tôi rất phấn khích", bà Finucci chia sẻ.
Chuyên gia này cũng giải thích thêm rằng cá mập ma hầu hết được tìm thấy ở vùng nước sâu, do đó rất khó để tiếp cận chúng. Bà cũng hy vọng phát hiện lần này sẽ giúp khỏa lấp "các khoảng trống sinh học" trong hiểu biết về loài.
Vì mẫu vật lần này là một con non, nên các nhà nghiên cứu có thể so sánh nó với những kiến thức đã biết dựa trên các con trưởng thành. Qua đó sẽ tìm ra câu trả lời cho câu hỏi về môi trường sống, chế độ ăn uống và sự phát triển cơ thể.
"Chúng tôi hy vọng việc này sẽ cung cấp thêm các chỉ dấu về mặt sinh học và sinh thái học. Theo những gì chúng ta biết thì con non có thể rất khác biệt so với con trưởng thành", bà Finucci nói.